Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 diễn ra ngày 9/9, đánh giá chung về tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 8 và 8 tháng, kết quả quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát đề ra theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép.
Trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Tinh thần đặt ra là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên quyết không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; kiên quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng cũng cương quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế tốt hơn, nâng cao đời sống người dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), trong đó tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng....
Về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP), đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Về xuất khẩu, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; tận dụng cơ hội các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.
Về tiêu dùng, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước (100 triệu dân); đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng; phát triển mạnh thương mại điện tử; tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại…