Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: "Chúng ta phải chống cả 2 loại virus Corona và virus trì trệ”

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội", Thủ tướng nói.

Chiều nay, 12/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội năm 2020.
Kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, với các biện pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề. “Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”, Thủ tướng nêu rõ.
 Thủ tướng phát biểu tại phiên họp

Đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân.
Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, cuộc họp hôm nay nhằm tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. “Làm sao tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí và những chính sách nào thúc đẩy phát triển”, Thủ tướng đặt vấn đề, kể cả kích cầu, thúc đẩy giải ngân hay chính sách giảm phí, lệ phí và dịch vụ khác, làm sao giảm lãi suất và chuyển đổi thị trường.
Đây là một thử thách mà chúng ta phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Nếu chỉ với cách làm bình thường, chúng ta sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác, “phải phấn đấu cao hơn nữa, với giải pháp cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.
Dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.
Bình tĩnh nhưng quyết tâm cao

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu về ảnh hưởng của dịch đến các lĩnh vực như du lịch, hàng không, công thương, nông nghiệp, lao động, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các ngành lớn cần có đề án riêng để xử lý, giải quyết. Với đường biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc, ảnh hưởng của dịch là điều tất nhiên và chúng ta cần thấy toàn bộ tình hình để có giải pháp tốt hơn, dài hơi hơn, quyết liệt hơn. Trong đó, không chỉ có biện pháp về kinh tế mà cả biện pháp về thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho phát triển.

 Thường trực Chính phủ họp về  đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19)

Thủ tướng khẳng định, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, chúng ta cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các phương án để có mức phấn đấu cụ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả cán bộ công chức của các bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu chống 2 loại virus là virus Corona và “virus” trì trệ, không dám tiến công, không hành động. Chúng ta giải quyết 2 virus này thì xã hội, đất nước phát triển. Biện pháp phải mạnh, chủ trương cụ thể, vào cuộc đồng bộ. Những người chiến sĩ trên mặt trận chống dịch và mặt trận kinh tế cùng quyết tâm, phối hợp biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, đưa đất nước tiến lên…

Kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ nhưng bình tĩnh, kiên quyết, bảo đảm an toàn cho người dân. Đi liền với đó, bảo đảm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp. Giải tỏa điểm nghẽn trong xã hội hiện nay.

Thủ tướng cho biết, ông đã nhận được bức thư của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, vào thời điểm này, dựa trên nghiên cứu của Hội đồng, các thị trường du lịch đường dài vẫn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Vì vậy, Hội đồng đánh giá cao quyết định của Thủ tướng về việc tiếp tục mở cửa các điểm danh lam, thắng cảnh du lịch để không làm tê liệt thị trường du lịch quốc tế. Từ thông tin phản hồi trong nội bộ ngành rằng du lịch đường dài bị ảnh hưởng ít, Hội đồng kiến nghị biện pháp trước mắt nên được xem xét là miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho một số thị trường.

Chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, tất cả không hoạt động. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường.

Thủ tướng cũng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa. Không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội.

Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất.

Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá.

Về điều hành chính sách tiền tệ, phải chủ động theo dõi tình hình, có biện pháp phản ứng kịp thời, nhất là kiểm soát chặt chẽ tỉ giá. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp đi sát thực tiễn, thường xuyên tháo gỡ vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để phát triển sản xuất.

Thủ tướng nhắc lại phát biểu, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch Covid-19 thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.