Thủ tướng: Giảm lãi suất, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm; lượng tiền gửi còn rất lớn; lãi suất cho vay còn cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính giao hàng loạt nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành, địa phương, tổ chức tín dụng…

Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra vào sáng nay (14/3) do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Loạt doanh nghiệp lớn địa ốc, sản xuất được mời họp có các tập đoàn: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FPT, Masan, TH, Đèo Cả, Novaland, Hưng Thịnh, Savico, Taseco; các tổng công ty, như: Đầu tư phát triển công nghiệp, Đầu tư phát triển nhà và đô thị Hà Nội; các Công ty CP như: Phát Đạt, Địa ốc Hoàng Quân, Đầu tư IMG, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Vinaconex…

Tín dụng tăng chậm do thị trường bất động sản kém

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Thủ tướng: Giảm lãi suất, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho bất động sản - Ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm là do các vướng mắc và nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Các nguyên nhân khách quan như theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.

Về nguyên nhân chủ quan, NHNN cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn. Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Đại diện NHNN cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, nhưng chỉ tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

“Thông thường tín dụng bất động sản chiếm khoảng 21% tín dụng chung. Do đó, tín dụng BĐS tăng, giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng, giảm theo”- ông Đào Minh Tú cho hay.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, nhiều ngân hàng cũng thừa nhận bất động sản vẫn là kênh hấp thụ vốn lớn nhất của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên do thị trường bất động sản gặp khó, đặc biệt là nhiều dự án gặp vướng pháp lý nhưng chậm được tháo gỡ nên nguồn vốn tín dụng kênh này, trong đó có tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, bị giảm mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho tăng trưởng tín dụng thời gian qua bị chậm lại. Hiện cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý. Nếu không giải quyết thì khó giải quyết thủ tục vay vốn.

Do vậy, nhiều ngân hàng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm gỡ vướng pháp lý các dự án bất động sản, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và cả khách mua nhà đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng.

Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp 

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường đề nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh VGP
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh VGP

Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. “Hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”- đại diện Sun Group kiến nghị.

Trong khi đó, ông Quảng Văn Viết Cương - Phó Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex – Bình Dương) cho biết, một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc và Becamex cũng gặp khó, đó là tất cả kế hoạch, phát hành trái phiếu – là những lĩnh vực chính của doanh nghiệp và khi phát triển hạ tầng thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Cũng theo doanh nghiệp này, trong giai đoạn hiện nay, để khu công nghiệp thu hút đầu tư trong điều kiện mới về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khí thải các bon…, Becamex đang phát triển một hệ sinh thái về năng lượng tái tạo, tiếp cận các hệ sinh thái để bổ trợ cho việc thu hút đầu tư cho địa phương, cho cả nước. “Becamex mong các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, để có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất, đảm bảo lĩnh vực mới này phát triển vì hiện nay phát triển năng lượng tái tạo chưa có ưu đãi đặc biệt, khác biệt so với những quy định hiện tại”.

Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt Bùi Quang Anh Vũ đề xuất 3 kiến nghị. Thứ nhất, tiếp tục có chính sách về gói tín dụng ưu đãi; hỗ trợ rút ngắn thời gian phê duyệt. Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giải ngân và giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn liền với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng; Thứ hai, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ tháo gỡ thủ tục pháp lý cho thị trường bất động sản, để các dự án có đủ điều kiện được giao dịch ra thị trường; Thứ 3, đề xuất Chính phủ tích cực chỉ đạo và thành lập tổ công tác xử lý liên bộ ngành để hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời.

Giảm lãi suất, tháo gỡ thủ tục pháp lý

Theo Bộ Xây dựng, hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gỡ vướng cho 35-40% dự án bất động sản gặp vướng mắc, nhưng vẫn còn hàng trăm dự án tại 2 TP này và các địa phương vẫn chờ được tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, Hà Nội đứng đầu với 246 dự án, TP Hồ Chí Minh 143 dự án, Cần Thơ 34 dự án, Bình Định 16 dự án và Hải Phòng 4 dự án. Bộ Xây dựng vừa đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc gỡ vướng, và báo cáo tổ công tác của Thủ tướng trước ngày 30/6.

Đồng thời, NHNN cần có giải pháp thúc đẩy cho vay tín dụng với các doanh nghiệp địa ốc. Với các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh phân khúc và giá bất động sản để tạo dòng vốn. Các chủ đầu tư cần cơ cấu lại nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm từng dự án, tránh đầu tư dàn trải, dở dang.

Cho rằng, với mục tiêu giải ngân khoảng 2 triệu tỷ đồng trong năm nay, tương đương 15% tăng tín dụng toàn ngành là áp lực lớn. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh tín dụng, tránh hiện tượng ngân hàng thừa tiền, còn doanh nghiệp lại khát vốn.

Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành ngân hàng, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Việc cơ cấu lại nguồn vốn lãi vay, chính sách lãi vay chưa phù hợp, chưa tương xứng với dư địa và không gian chính sách tiền tệ.

Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm không cao dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn (hiện trên 13,6 triệu tỷ đồng so với 13,8 triệu tỷ vào cuối năm 2023).

Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao.

Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro, một số vụ việc như vụ SCB cho thấy việc giám sát phải chặt chẽ, hiệu quả hơn. Kết quả thực hiện một số chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng (như gói 120.000 tỷ xây dựng nhà ở xã hội)

Định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng khái quát bằng ba cụm từ: "5 tăng", 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá". 5 tăng gồm: tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

5 giảm gồm: giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…

5 tăng tốc, bứt phá gồm: tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của tổ chức tín dụng, chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quan điểm "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và "cùng thắng".

Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng. Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi.

Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.

Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá.

Đối với các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ. Rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các thông tư hướng dẫn; tinh thần là giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Bộ TN&MT khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; đề xuất sửa đổi Luật Khoáng sản, nhất là quy định liên quan thủ tục với mỏ vật liệu xây dựng thông thường…

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Với tinh thần "Non cao cũng có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi"; "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các chủ thể liên quan tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

 

Vietnam Airlines là doanh nghiệp hàng không chủ lực thì 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ, nếu lên đến 5% thì chi phí chúng tôi một năm tăng lên 1.500 tỷ. Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể. Đồng thời cũng kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines. (Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa)

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 680 tỷ đồng là quá thấp. Do đó, cần tiếp tục thiết kế gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm. (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu)