Cùng dự, có đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.
Khắc phục khó khăn, đạt thành tích tự hào
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2022 - 2023 là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT; năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình GDPT đối với cấp THPT.
Đây cũng là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TƯ Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đồng thời cũng là thời điểm triển khai thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình GDPT 2018 phục vụ công tác giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành TƯ và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân; đặc biệt là quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, học viên; toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học với nhiều kết quả tích cực.
Đội ngũ giáo viên cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Hoàn thiện chương trình GDPT 2018 đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 triển khai tích cực, bước đầu có hiệu quả.
Cùng những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, đào tạo triển khai còn chậm; việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số địa phương chưa phù hợp; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn..
Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu của năm học vừa qua; đồng thời gửi lời chúc các cán bộ làm công tác quản lý, các thầy giáo, cô giáo luôn phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề.
Thủ tướng mong muốn, các thầy, cô giáo , những người làm giáo dục khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.
Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025…
Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; nỗ lực vượt khó, kiên trì, quyết liệt thực hiện mục tiêu đổi mới; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp thực tiễn.
Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung, đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành; trong đó yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TƯ bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII….
Thủ tướng gợi mở một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong năm học mới là: Kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục tình trạng bạo học đường. Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; rà soát việc dạy học môn Giáo dục công dân trong trường phổ thông; có giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo…
Hà Nội: Đề xuất giải pháp để khai thác hiệu quả quỹ đất trường học
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn TP có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp với gần 2,3 triệu học sinh.
Được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo hướng dẫn sâu sát của Bộ GD&ĐT và bộ ngành TƯ, công tác giáo dục của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hà Nội đề xuất 4 vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Thứ nhất, với đầy đủ loại hình trường nhiều cấp học, trường chuyên, trọng điểm quốc gia với quy mô tương đối lớn; tuy nhiên, tại Nghị định 120 quy định mỗi đơn vị có không quá 2 cấp phó khiến khó khăn trong công tác quản lý cho các trường có quy mô lớn, đặc thù. Trên cơ sở đó, TP kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp thực tế.
Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa SGK và sử dụng SGK điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.
Thứ ba, quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực GD&ĐT. Để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 29 của TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.
Thứ tư, Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học.
Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất. Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép TP sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh.
Cùng với đó, mong Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng cũng như xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.