Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thị trường bất động sản góp phần kiểm soát lạm phát

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng...

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra tại Hà Nội chiều 14/7.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ trụ sở Chính phủ với UBND 5 TP trực thuộc T.Ư, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; lãnh đạo các Bộ, ngành, 5 TP trực thuộc T.Ư, tổ chức đoàn thể, hiệp hội và chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, BĐS.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai  mạc hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai  mạc hội nghị.

Khuyến khích người làm đúng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá thực trạng thị trường BĐS, khẳng định, phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được; nêu rõ, chấn chỉnh hạn chế, bất cập, tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế từ đó đề xuất giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ…

“Đối với lĩnh vực BĐS và lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; với tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, người làm ăn chân chính, hiệu quả” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

“Lệch pha” nguồn cung sản phẩm

Trình bày báo cáo đánh giá toàn diện về thị trường BĐS năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ ra 13 tồn tại của thị trường BĐS Việt Nam, trong đó đặc biệt là những tồn tại liên quan đến việc lựa chọn chủ đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch còn chậm, dẫn đến nguồn cung nhà ở thương mại giảm hầu hết ở các địa phương, nhiều dự án còn vướng mắc. Đáng quan ngại là hiện nay thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trong khi giá nhà, đất ở liên tục tăng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thị trường BĐS đang xảy ra tình trạng "lệch pha" về nguồn cung sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thị trường BĐS đang xảy ra tình trạng "lệch pha" về nguồn cung sản phẩm.

Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch trên thị trường chưa minh bạch, còn hiện tượng kê khai 2 giá, gây nhiễu loạn. Công tác thông tin tại một số địa phương chưa công khai, minh bạch và công tác đấu giá đất còn hạn chế…

“Cần theo dõi sát tình hình, kịp thời triển khai các giải pháp để làm lành mạnh thị trường, tăng kiểm tra rà soát. Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, công khai minh bạch thông tin. Đặc biệt kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin nhiễu loạn” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Trong nội dung chương trình, hội nghị cũng nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thị trường BĐS, như: Chủ đầu tư yếu kém về năng lực triển khai; việc huy động vốn tràn lan, trái phép dẫn đến rủi cho người dân, chính sách tín dụng - tiền tệ; những vướng mắc về thủ tục hành chính tác động đến thị trường BĐS...

Các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất giải pháp nhiều vấn đề liên quan, như: Đánh giá về chính sách, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS; tác động, ảnh hưởng của thị trường vốn, thị trường chứng khoán đến thị trường; chính sách, tình hình đấu giá, định giá quyền sử dụng đất ảnh hưởng đến thị trường BĐS; tình hình, diễn biến dòng vốn; tình hình, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, dự án nhà ở, khu đô thị, thị trường BĐS nghỉ dưỡng...

Hà Nội triển khai dự án nhà ở xã hội quy mô lớn

Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đối với phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2016 - 2020, TP đã triển khai được 1,25 triệu m2 sàn, chiếm khoảng 27,17% so với cả nước, hiện đang triển khai khoảng 4,14 triệu m2 sàn.

“Các khu NƠXH của Hà Nội được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị và đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai nghiên cứu thí điểm mô hình khu NƠXH tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay.

 

Số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2022 tổng dư nợ của thị trường BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng. Riêng đối với Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013, đã hoàn thành việc giải ngân cuối năm 2016 với doanh số 29.679 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở. Chương trình thu nợ lũy kế 22.486 tỷ đồng, dư nợ cho vay còn lại 7.189 tỷ đồng, nợ xấu 1,72%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển, quản lý NƠXH trên địa bàn TP Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế, như: Diện tích sàn đạt tỷ lệ thấp so với tổng số diện tích sàn nhà ở đã phát triển trên địa bàn, mới đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân; Tỷ lệ căn hộ NƠXH dành để cho thuê còn thấp (khoảng 16%); Các dự án NƠXH quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung tại một số quận nội thành gây áp lực nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nguồn lực tài chính của TP để đầu tư xây dựng còn hạn chế.

“Nguyên nhân là do cơ chế chính sách, ưu đãi hiện hành của pháp luật chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển NƠXH, nhất là NƠXH cho thuê. Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư dự án và đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua NƠXH (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, kết quả rà soát nhu cầu NƠXH trên địa bàn TP giai đoạn sau năm 2020 rất lớn khoảng 6,8 triệu m2 sàn. Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, TP đang tập trung chỉ đạo tập trung hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở có khả năng hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025; triển khai 5 khu nhà ở độc lập và tiếp tục nghiên cứu triển khai các khu NƠXH khác.

Để đạt được mục tiêu trên, TP tập trung một số giải pháp: Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy định pháp luật về NƠXH (điều chỉnh Luật Thủ đô) như: Được phép chủ động bố trí quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thay thế ở vị trí khác; không phát triển NƠXH là nhà ở liền kề thấp tầng, được sử dụng nguồn tiền thu từ quỹ đất 20%, 25% ở dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị để hỗ trợ, cho vay ưu đãi phát triển NƠXH.

Triển khai mô hình xây dựng một số khu NƠXH tập trung, quy mô diện tích đất lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân một cách hợp lý; Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nhà ở phục vụ công nhân, ưu tiên bố trí quỹ đất, kinh phí từ nguồn tiền thu được ở quỹ 20%, 25% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn.

Cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi để hỗ trợ NƠXH cho đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở; Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng NƠXH, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển NƠXH, nhà ở công nhân…

Sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân, kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành T.Ư cần có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án BĐS để các địa phương triển khai thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư, duyệt quy hoạch, giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, cấp giấy phép xây dựng…

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Hiện nay, do hệ thống quy định pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ (pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quy hoạch, tải chính, thuế...) dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án. Trong đó, việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, cơ chế giao, cho thuê đất đang là bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến độ và việc kêu gọi đầu tư nhất là đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

“Kiến nghị tiếp tục ra soát các dự án BĐS nhà ở cao cấp không triển khai, để đất hoang hóa, dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân. Kịp thời giải quyết hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, góp phần dãy nhanh tiến độ thực hiện dự án” - ông Trần Hoàng Quân nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở... vì chính điểm nghẽn về pháp lý đã khiến nhiều dự án chậm triển khai hoặc không thể triển khai, dẫn đến làm gia tăng chi phí, đẩy giá nhà lên cao so với thu nhập của người dân.

Về phần ý kiến chuyên gia, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn vốn cho phát triển thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, thời gian gần đây đang bị “chững” lại do sai phạm của một số doanh nghiệp liên quan đến huy động trái phiếu, nhưng trái phiếu vẫn là kênh vô cùng quan trọng đối với thị trường; cùng với đó cần cho phép thí điểm một số kênh huy động nguồn vốn mới như Fintech, phân nhóm BĐS để không đánh đồng, có căn cứ để xác định mức độ rủi ro.

“Đề xuất giải quyết những vấn đề trước mắt như quan tâm giải quyết rủi ro từ dư nợ trái phiếu, ứng xử phù hợp, tránh hiệu ứng domino... Nếu bây giờ bóp nghẹt thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì vô cùng nguy hiểm đối với nhà đầu tư” - ông Lực phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần