Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thông tin thống kê phải thực sự là con số biết nói

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, toàn ngành thống kê phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo: Thông tin phải trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Sáng 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị Thống kê toàn quốc năm 2022 với chủ đề "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả".

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hệ thống thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp thông tin thống kê nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ này, trong những năm qua, công tác thống kê đã có những chuyển biến tích cực.

Theo đó, hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê được bổ sung, hoàn thiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, tổng hợp, phân tích và phổ biến thông tin thống kê được chú trọng. Cùng với đó, hoạt động cung cấp, phổ biến thông tin thống kê được đẩy mạnh; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo bộ, ngành và nhu cầu của người dùng tin, đặc biệt trong năm 2020 và 2021 vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực và nặng nề đến nước ta.

Báo cáo tại Hội nghị của Tổng Cục Thống kê, trong 50 cuộc điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia, Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện 35 cuộc điều tra thống kê (chiếm 70%). Trong đó, 3 cuộc Tổng điều tra được quy định trong Luật Thống kê: Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế.

Tổng cục Thống kê đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Đặc biệt, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả khâu thu thập, tổng hợp, xử lý, kiểm tra, giám sát, công bố và lưu giữ thông tin. Từ đó, rút ngắn một nửa thời gian xử lý và tiết kiệm kinh phí hàng trăm tỷ đồng so với các kỳ Tổng điều tra trước.

Các báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, quý, năm được nâng cao về chất lượng, phản ánh sát diễn biến kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế nhận được sự quan tâm, sử dụng của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân; là tài liệu quan trọng phục vụ các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và UBND cấp tỉnh, cấp huyện. 

Thực hiện Luật Thống kê, hàng năm Tổng cục Thống kê đã biên soạn Niên giám thống kê cả nước bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định. Tại các Cục Thống kê, ấn phẩm Niên giám thống kê cấp tỉnh, cấp huyện được xuất bản đúng kế hoạch, với chất lượng ngày càng nâng cao.

Năm 2021, bên cạnh Niên giám Thống kê, Tổng cục Thống kê đã phát hành 25 ấn phẩm, trong đó có một số ấn phẩm quan trọng như: Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2021, Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016-2020, các ấn phẩm chuyên đề, chuyên sâu được biên soạn, công bố từ kết quả của 3 cuộc Tổng điều tra và điều tra thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc phối hợp, chia sẻ thông tin cũng được quan tâm, thể hiện qua việc nhiều bộ, ngành đã ký quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê. Cơ quan thống kê đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương thực hiện 6 cuộc điều tra như: Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ TN&MT thực hiện; Điều tra năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp và Điều tra thống kê thương mại điện tử do Bộ Công Thương thực hiện; Điều tra cơ sở hành chính do Bộ Nội vụ thực hiện; Điều tra tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ; Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Bộ KH&CN thực hiện.

Tổng cục Thống kê đang tiếp tục nghiên cứu dữ liệu các tờ khai thuế nhằm tổng hợp, biên soạn một số chỉ tiêu thống kê tần suất nhanh (tháng, quý) về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dữ liệu hành chính về quản lý dân cư, dữ liệu hộ tịch, dữ liệu bảo hiểm và dữ liệu y tế, giáo dục... sẽ tiếp tục được nghiên cứu sử dụng trong hoạt động thống kê. Cơ quan thống kê ở Trung ương và ở nhiều địa phương đã xây dựng và thường xuyên cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế, góp phần gia tăng giá trị của báo cáo thống kê hằng quý và hằng năm. Đặc biệt, thông tin, báo cáo thống kê đã được biên soạn và sử dụng kịp thời trong xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế và hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, toàn ngành Thống kê sẽ tập trung vào thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp: Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; Đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê; Đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê; Mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong công tác thống kê.

Đánh giá cao kết quả đạt được và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống thống kê, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành thống kê có vai trò, vị trí quan trọng vì là nơi tập hợp kết quả đầu ra của cả nền kinh tế một cách khách quan, trung thực. “Nói phải có sách, mách có chứng”, muốn đánh giá hoạch định chính sách phải có số liệu thống kê" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng ở tất cả lĩnh vực, Việt Nam đã nỗ lực đạt được những kết quả tích cực, kết quả kinh tế - xã hội 2021 có sự đóng góp của cơ quan thống kê.

Dù vậy, năm 2022 còn nhiều khó khăn thách thức, trong điều kiện như vậy, Thủ tướng cho biết, chúng ta vẫn phải thực hiện đa mục tiêu, thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả. Hồi phục nhanh và phát triển bền vững, ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phải hội nhập sâu rộng. Tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, theo đó dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá; bảo đảm ổn định vĩ mô, các cân đối lớn.

Công tác thống kê rất quan trọng phải đầy đủ, toàn diện khách quan, trung thực chính xác, kịp thời liên tục, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê; nghiên cứu phương pháp thống kê mới, hiện đại phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam. Khi có được số liệu thống kê rồi phải có phân tích, đánh giá, dự báo và phải biết sử dụng nó cho hiệu quả.

Thủ tướng cho biết, chuyển đổi số rất quan trọng. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho hoạt động thống kê nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, kết nối dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương. Nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ công chức viên chức thống kê, quan tâm hơn nữa đến phân tích, đánh giá số liệu thống kê để số liệu thống kê thực sự là con số biết nói.