Thủ tướng: Tập trung giải quyết nhà ở để người lao động “an cư lạc nghiệp”

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, năm 2023 các bộ, cơ quan tiếp tục phối hợp thực hiện 10 nhiệm vụ và tập trung nguồn lực cho 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Ngày  1/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới. Báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị đã thống nhất đánh giá, năm 2022, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Phối hợp tốt trên nhiều lĩnh vực

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2022, trọng tâm phối hợp công tác năm 2023, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu thực tiễn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐ trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động; cải thiện điều kiện làm việc và phòng ngừa tai nạn lao động. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi, giải trí của công nhân, lao động...

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức giám sát về tình hình thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và các chính sách hỗ trợ liên quan khác; từ đó kiến nghị nhiều chính sách quan trọng.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; bảo đảm chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể; báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động; thực hiện các biện pháp ổn định quan hệ lao động, phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, các yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương...

Năm 2023, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn; thống nhất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với người lao động; về bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ tại cơ sở. 

Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ khởi xướng, trong đó, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; tiếp tục vận động đoàn viên, người lao động tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, tích cực đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp....

Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong chương trình hội nghị, đại diện các tổ chức công đoàn cũng đưa ra một số kiến nghị  liên quan đến việc ban hanh hành các chính sách về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật....

Đồng thời, Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vào Đề án xây dựng một triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp do Bộ Xây dựng chủ trì để bảo đảm quyền lợi cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong 10 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, có 7 nhiệm vụ đang tiếp tục phối hợp thực hiện, đó là quyền lợi, chính sách an sinh xã hội của người lao động; cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở công nhân, đất đai, quy hoạch sử dụng đất công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn trong phát triển nhà ở xã hội; phục hồi thị trường lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn.

Với 3 nhiệm vụ chưa được triển khai trên thực tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục khẩn trương thực hiện: Chính sách tín dụng cho người lao động nghèo vay vốn thông qua cơ chế cấp bù lãi suất; thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật tạo hành lang pháp lý bảo vệ người lao động; công bố mức sống tối thiểu của người lao động.

Nhấn mạnh đến những yêu cầu trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp công đoàn tiếp tục quán triệt chủ đề "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 01. Các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động. Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn.

Thủ tướng cũng đề nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng của người lao động. Tổng LĐLĐ phối hợp với các Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, VCCI… và chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động.

Các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng LĐLĐ và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần...

Tập trung nguồn lực cho 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, do nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu cao, vì thế phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động. Trong năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Thứ nhất là tăng cường tạo công ăn việc làm, tháo gỡ khó khăn khi thị trường đang thu hẹp, để khắc phục thiếu hụt hợp đồng. Song song với đó là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTB&XH phối hợp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cùng với 4 bộ chỉ đạo việc thực hiện nội dung này

Thứ hai là tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động “an cư thì mới lạc nghiệp”, góp phần ổn định để nâng cao đời sống vật chất cho họ. Với nhiệm vụ này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.

Thứ ba là từng bước hoàn thiện các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe của người lao động. Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Thủ tướng yêu cầu 3 Phó Thủ tướng phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức các buổi làm việc cụ thể về các nội dung này (có mục tiêu, mục đích, giải pháp, nguồn lực, cách tổ chức thực hiện cho hiệu quả) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 2/2023.

Với những kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến và giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành, các cơ quan. Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.