Thủ tướng: tháo gỡ vướng mắc thể chế liên quan đến đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.
Làm mới 3 động lực tăng trưởng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, đi đúng vào chủ đề Hội nghị; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến, chuẩn bị và trình ban hành sản phẩm của Hội nghị là một Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nêu rõ, mặc dù số lượng các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.
Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 và năm 2045) đã đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp; doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng trưởng cao ở mức 2 con số, tăng trưởng nhanh, bền vững để góp phần tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách.
Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng: các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước; phát triển các sản phẩm số của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp; phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, bảo đảm an ninh, an toàn số, góp phần vào an ninh, an toàn số quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số vì con người là vốn quý nhất để sử dụng trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng lưu ý, tất cả các nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Về xuất khẩu, Thủ tướng đánh giá hiện đang khó khăn, nhưng không đến mức khó khăn như những khó khăn chúng ta đã vượt qua; không phải bây giờ thị trường xuất khẩu mới bị thu hẹp mà đã bị thu hẹp từ lúc đại dịch COVID-19, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi… và củng cố các thị trường truyền thống, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Tết kiệm hơn nữa để tập trung cho đầu tư, mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR). Về tiêu dùng, cần chú trọng mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tận dụng cơ hội thị trường 100 triệu dân.
Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức; đổi mới hoạt động, quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý.
Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp nhà nước phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa. Các cơ quan, doanh nghiệp cần đánh giá, khuyến khích, khen thưởng đúng lúc, kịp thời, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà
Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền. Rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn. Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ phải cắt giam thủ tục hành chính về khoa học công nghệ. Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp trên thế giới, thị trường trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp như giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker xi măng, tái sử dụng chất thải trong khai thác than…
Nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc trông đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", nhắc lại yêu cầu phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp Nhà nước sẽ làm tốt việc chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Hà Nội thí điểm xây dựng hệ thống đa kênh hỗ trợ thành lập doanh nghiệp
Kinhtedothi - Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội đã ban hành Đề án Thí điểm xây dựng hệ thống đa kênh hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp trên địa bàn.

Thủ tướng: Đề nghị phía Hoa Kỳ hoãn áp thuế với Việt Nam ít nhất 45 ngày
Tối 7/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để cập nhật tình hình với các diễn biến mới, tiếp tục thảo luận về các giải pháp sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng: Giữ vững độc lập, tự chủ, tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại trong hội nhập
Chiều 8/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024.