Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Thuận mua vừa bán” là phù hợp

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động vận tải, hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ đưa ra một thay đổi lớn là hành khách và lái xe taxi được tự thỏa thuận giá cước.

Không ít DN vận tải đã lên tiếng phản đối quy định này, tuy nhiên đông đảo người dân lại cho rằng “thuận mua vừa bán” là phù hợp.

Giá cước taxi lâu nay được quản lý theo hình thức cố định, buộc hãng phải niêm yết giá cước, không được thu cao hơn hay thấp hơn mức niêm yết. Điều này ít nhiều đã giữ được tính minh bạch cho giá cước taxi, nhưng cũng bộc lộ những bất cập, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại, văn minh hiện nay.

Việc giữ nguyên một mức giá cước khiến hành khách gần như buộc phải chấp nhận, còn DN taxi bị trói buộc năng lực cạnh tranh. Có hãng sẵn sàng cung cấp dịch vụ tương đương với giá rẻ hơn, nhưng như vậy là vi phạm quy định, buộc họ phải lách luật bằng cách phát hành mã giảm giá, khuyến mại. Có hãng muốn cung cấp dịch vụ cao hơn, đắt tiền hơn, phù hợp với thị hiếu của nhóm khách hàng thu nhập cao nhưng không thể vượt quá mức niêm yết. Mặt khác, các quy định hiện hành về kinh doanh taxi đã tương đối đầy đủ. Nhà xe phải xuất hóa đơn tiền cước cho khách hàng, nếu không sẽ vi phạm quy định, kể cả là giá cước thỏa thuận miệng giữa hai bên vẫn được xem như giao kết hợp đồng chính thức.

“Cởi trói” giá cước taxi cho khách hàng và nhà xe tự thỏa thuận là cần thiết để tăng tính cạnh tranh giữa các DN. Người được hưởng lợi từ sự cạnh tranh tất yếu là khách hàng. Người dân có thể thoải mái lựa chọn taxi chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn; hoặc chọn loại xe sang trọng hơn và chấp nhận giá cao theo ý thích.

Nhiều DN cho rằng khó quản lý doanh thu khi khách và lái xe tự thỏa thuận. Nhưng vấn đề này có thể giải quyết bằng cách yêu cầu lái xe xuất hóa đơn sau mỗi chuyến đi, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện. Mỗi xe taxi đều có thiết bị giám sát hành trình nên việc di chuyển, vận chuyển khách luôn nằm trong tầm kiểm soát của DN. Tiền cước khi xuất hóa đơn sẽ hiển thị rõ trên hệ thống. Thực tế việc quản lý doanh thu chỉ khó khi các DN taxi yếu kém trong quản trị nội bộ.

Thời gian qua, nhiều hãng taxi đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp như: thay thế phương tiện, tăng cường quản lý, áp dụng nhiều phương thức khuyến mại, cước trọn gói theo tháng, theo năm… để hạ giá cước, thu hút khách hàng. Điều đó cho thấy DN taxi đủ năng lực để cạnh tranh mạnh mẽ, mang đến dịch vụ tốt với giá cước rẻ hơn cho khách hàng.

Bản thân hình thức tự thỏa thuận giá cước cũng chính là một phương thức cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả. Hãng nào cho khách sự thoải mái, được lựa chọn, hãng đó được thị trường chấp nhận và phát triển. Ngược lại, hãng nào không linh hoạt giá cước để cạnh tranh, không tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ mất dần khách, đó là quy luật tất yếu.

Dù nhiều DN chưa đồng tình với quy định tự thỏa thuận giá cước taxi, nhưng người dân lại cho rằng phù hợp và ủng hộ. Taxi cũng như mọi loại hình dịch vụ khác, mục đích cao nhất là phục vụ người dân. Quy định của pháp luật đối với mỗi loại hình dịch vụ cũng trước tiên phải bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Hơn nữa, tự thỏa thuận giá cước còn là một "cú huých" để các DN taxi tự làm mới mình, ý thức cao hơn về trách nhiệm đối với khách hàng. Khi giá cước phải rẻ mà chất lượng dịch vụ phải tương đồng hoặc cao hơn đối thủ, chính các hãng taxi sẽ có động lực để chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới sự văn minh, thân thiện hơn trong vai người phục vụ.