Thực chất vẫn có điểm sàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 phương án xây dựng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thay thế tiêu chí điểm sàn đại học (ĐH) đang được Bộ GD&ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, đây thực chất vẫn là điểm sàn, cũng bám vào khối thi và không có giải pháp cho các trường tự tuyển sinh.

Rắc rối 5 phương án

Thẳng thắn ghi nhận, 5 phương án đã chú ý đến phổ điểm, có xem xét đến các môn cốt lõi để nhân hệ số và dựa theo tổng chỉ tiêu sinh viên. Tuy nhiên, các phương án đều tạo ra sàn và càng xét nhiều thì càng phức tạp, trong khi điều cần là tiêu chí đơn giản và cách tính dễ hiểu. Bởi thế, nhiều trường ĐH top đầu không quan tâm đến 5 phương án vì rắc rối và khó khả thi. 

 
 Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc bài thi môn Văn tại Hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2013.      Ảnh: Hải Linh
Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc bài thi môn Văn tại Hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2013. Ảnh: Hải Linh
Đi vào từng phương án, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, nhận xét: Phương án 1 có ưu việt là điểm sàn trên cơ sở phổ điểm nhưng cách tính không rõ ràng và khi khối thi linh hoạt các môn thì cách tính này không phù hợp. Nhất là điểm sàn được tính trên cơ sở bảo đảm tổng nguồn tuyển vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không khắc phục được hiện tượng thí sinh ảo. Phương án 2, xác định điểm sàn cho từng môn thi và đưa ra 4 ngưỡng khác nhau để các trường lựa chọn (30 - 45 - 60 - 75%) là tương đối rõ, song lại không phù hợp với khu vực vùng miền khác nhau. Phương án 3 vẫn bám vào khối thi, chia ra 3 mức điểm sàn, nhưng không nêu rõ, ít nhiều thể hiện sự tùy tiện. Phương án 4, tính đến yếu tố vùng miền nhưng vẫn chia kết quả theo từng khối thi. Phương án 5, vẫn bám vào khối thi và phổ điểm 3 môn thi, không tính đặc thù vùng miền là không hợp lý, lại có dự bị vào học ĐH là phản khoa học. 

Có ý kiến cho rằng, phương án 1 và 5 nên kết hợp với nhau. Cụ thể, phương án 1 chia làm 4 mức: 2 mức trên để xét tuyển vào ĐH, 2 mức dưới xét vào dự bị ĐH và CĐ, có xét thêm yếu tố vùng miền. Đồng tình với ý kiến này, TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết: Đợt 1, những thí sinh đạt điểm ở mức 1 được xét tuyển vào những trường top trên; đợt 2 là những thí sinh có điểm mức 1 vì lý do nào đó bị trượt có thêm cơ hội được xét tuyển vào trường top thấp hơn. Đối với các thí sinh gần đủ điểm vào ĐH, các trường có thể nhận vào, nhưng phải học dự bị một thời gian. Trong khi đó, lại có ý kiến đề nghị kết hợp phương án 2 với 4. Riêng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vẫn bảo lưu ý kiến đã đề nghị với Bộ GD&ĐT là không cần điểm sàn, chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT là đủ. 

Bộ đừng “ôm” việc!

Trong bối cảnh Bộ GD&ĐT cho phép 62 trường được tự chủ tuyển sinh, đồng nghĩa với việc 25% các trường không áp dụng điểm sàn mà dựa trên cơ sở kết quả tốt nghiệp THPT; Bộ đã đồng ý 6 điểm có thể xét tuyển vào ĐH và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên đến 99% thì nguồn tuyển rất dồi dào. "Bộ chấp nhận chỉ cần 6 điểm THPT là học được ĐH thì tiêu chí này thấp quá rồi. Điểm xét tuyển đã vậy thì điểm sàn gần như vô nghĩa" - ông  Tùng nhận định. 
Các thí sinh làm bài thi môn Văn tại hội đồng thi trường Đại học Thương mại Hà Nội năm 2013.  Ảnh:  Viết Thành
Các thí sinh làm bài thi môn Văn tại hội đồng thi trường Đại học Thương mại Hà Nội năm 2013. Ảnh: Viết Thành
Ngay cả việc các phương án có tính đến phổ điểm là không khách quan vì phụ thuộc vào đề thi. Liệu đề thi có bảo đảm cho người học từ mức trung bình trở lên đạt được mức điểm tối thiểu, nhất là đề thi ĐH hiện nay chưa đạt chuẩn? GS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho rằng, quan trọng nhất là học sinh vào ĐH phải học được. Một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc và thí sinh phải thấy được trách nhiệm của việc học, tất nhiên cũng dựa vào năng khiếu, sở trường và năng lực để chọn cách học và ngành nghề.  

Bàn về 5 phương án xây dựng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ: Bộ GD&ĐT đã quyết định bỏ điểm sàn, giờ lại có 5 phương án cũng là hình thức của điểm sàn khác. Trong việc này, Bộ nên xác định trách nhiệm của từng đối tượng đến đâu và làm đúng trách nhiệm của mình. Trong việc tuyển sinh, các đối tượng đều mong tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất, nghĩa là phải làm sao để có nguồn tuyển, đào tạo ra nguồn lao động đáp ứng yêu cầu xã hội, rồi từ đó phân tích, Bộ GD&ĐT phải làm gì để phù hợp với thế giới và Việt Nam. "Trách nhiệm cao cả nhất là Bộ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng, khách quan và nghiêm túc. Tiếp đó, Bộ phải giao chỉ tiêu cho các trường phù hợp năng lực đào tạo, nhu cầu xã hội, phải giám sát được được sản phẩm ra đời. Và, phải có chính sách tạo điều kiện cho nhà trường và học sinh phát triển" - PGS Trần Xuân Nhĩ đề nghị.