Thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bên cạnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thì chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn cũng là giải pháp cần được chú trọng.

Tỷ lệ thất nghiệp còn 1%
Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn TP đã giải quyết việc làm cho 71.363/156.000 lao động nông thôn, đạt 45,7% kế hoạch năm. Cơ quan chức năng đã đưa 1.546 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Thời gian qua, TP cũng đã tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 1.552 người với tổng kinh phí khoảng 4,3 tỷ đồng. Tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 794 DN, đơn vị; thông qua đó, có 4.363 lao động đã được tuyển dụng.
Đánh giá cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn Hà Nội nửa đầu năm 2020 giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn hiện vẫn còn khoảng 1%.
 Nông dân thu hoạch rau màu trên cánh đồng xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Trọng Tùng Ảnh: Trọng Tùng
Cùng với nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói riêng, điểm nhấn tích cực trong nửa đầu năm 2020 là TP đã tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm cho 36.435 người, với tổng số tiền hơn 780 tỷ đồng; tăng 15.238 người, tương đương tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhờ những chính sách hỗ trợ cụ thể để vượt qua khó khăn thiên tai, dịch bệnh, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đã đạt khoảng 52 triệu đồng/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 55 triệu đồng/người/năm... Đến nay, toàn TP đã có 369/382 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thu nhập của lao động nông thôn.
Chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, dịch Covid-19 đã gây ra tác động lớn đến công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong giai đoạn qua, nhiều DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã chỉ hoạt động cầm chừng, buộc thu hẹp quy mô, thậm chí phải dừng sản xuất, kinh doanh...
Những năm qua, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân luôn được TP coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cụ thể hóa định hướng trên, thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công; triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án của TP về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập.
Định hướng xa hơn, TP chủ trương phát triển và mở rộng sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề để giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội hiện chỉ còn 0,69% (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội). Đến nay, toàn TP đã có 3 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức.