95 năm ngày thành lập đảng

Thúc đẩy khoa học, công nghệ: nhân lực chất lượng cao là then chốt

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tạo ra những chuyển biến trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, con người là yếu tố then chốt. Vì vậy, phải có chính sách hợp lý thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ, đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu

Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ để Việt Nam có thể tăng lợi thế cạnh tranh và tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại. Đặc biệt, khi xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng kinh tế số sẽ là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, thì vai trò trọng tâm của nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ ngày càng trở nên cần thiết.

Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Khi nói về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để tạo ra những chuyển biến, kết quả trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng hiện đại, tư duy sáng tạo và khả năng làm việc cường độ cao. Đây sẽ là yếu tố then chốt, sống còn, quyết định sự thành công của cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong vài năm gần đây, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam được chú trọng, đã hình thành và phát triển nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức khoa học công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Văn Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, mặc dù nhân lực khoa học công nghệ tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng trước yêu cầu của kỷ nguyên mới, vẫn thiếu đội ngũ kế cận nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao do phần lớn họ đều đến tuổi nghỉ chế độ. Chính sách phát triển nhân lực khoa học hiện còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm đối với các ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể nên chưa tạo ra những đóng góp có tính đột phá, tiên phong của đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ...

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường chỉ ra, nhân lực AI khan hiếm ở mọi cấp độ trong nhiều công đoạn như: Khoa học dữ liệu, kỹ sư vận hành AI… Chưa kể khi AI đi vào các chuyên ngành, chúng ta lại cần nhiều hơn các nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để có thể ứng dụng AI: sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông… Do đó, chúng ta sẽ cần tới số lượng hàng trăm nghìn kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực AI trong vòng 3 năm tới.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Đề cập vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Giám đốc NVIDIA Việt Nam Vũ Mạnh Cường kiến nghị, ngoài các chính sách mà Chính phủ đang thực hiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới, việc phát triển nguồn nhân lực phát triển nhân lực ngay tại trong nước cần được hỗ trợ của Nhà nước.

Giám đốc NVIDIA Việt Nam mong muốn, cần có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp đặt hàng của doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT… cho việc đào tạo AI và hỗ trợ giảng viên. Cần có kinh phí để có thể đào tạo số lượng lớn do việc đào tạo cho đối tượng không phải sinh viên cần trả phí cũng như trả thù lao cho giảng viên để có thể nâng cao số lượng giờ giảng dạy.

Tương tự, Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần phải tạo dựng nguồn nhân lực chuyên môn để phát triển các lĩnh vực công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn... Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài có nhiệm vụ đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài như chính sách hỗ trợ về thị thực hay miễn giảm thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể tham gia đào tạo nhân tài một cách ổn định lâu dài tại Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư để khuyển khích các doanh nghiệp FDI tích cực tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học. Nếu không có đột phá trong phát triển các trường đại học thì không có đột phá trong phát triển nhân lực chất lượng cao và cũng khó có đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xác định, cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh.

Các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp) rất cần thiết cho họ.

Chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM; chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài; các chính sách đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học cần có những đổi mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả.