Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024, chiều 2/12, đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về giải pháp, hạ tầng số - nền tảng thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều chia sẻ liên quan đến các giải pháp, hạ tầng số nền tảng thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững như: Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 và một số điển hình thành công; Thực trạng, thách thức và những bài toán thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững Hà Nội; Phát triển kinh tế số toàn diện: Kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương…

Theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), chuyển đổi số và kinh tế số là một công việc mới, người đứng đầu các cấp phải có kiến thức sâu rộng về chuyển đổi số, phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm, thành thạo sử dụng để dẫn dắt chuyển đổi số. Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số làm cơ sở đánh giá cán bộ, người đứng đầu. Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là kinh tế số ICT; kinh tế số ngành, lĩnh vực; quản trị số và dữ liệu số là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, xanh và bền vững...

Ông Phạm Minh Hoàn - Phó Trưởng bộ môn CNTT - Viện CNTT và Kinh tế số (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng.
Ông Phạm Minh Hoàn - Phó Trưởng bộ môn CNTT - Viện CNTT và Kinh tế số (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng.

Báo cáo về kinh tế số năm 2023 của Bộ TT&TT cho thấy, chỉ số phát triển kinh tế số của Hà Nội là 17,5%, trong đó, chỉ số kinh số lõi là 11,9% cao hơn chỉ số kinh số lõi của TP Hồ Chí Minh là 8,6%. Như vậy, xét về kinh tế số thì Hà Nội đã triển khai khá tốt.

Song, theo ông Phạm Minh Hoàn - Phó Trưởng bộ môn CNTT - Viện CNTT và Kinh tế số (Đại học Kinh tế Quốc dân), vẫn còn nhiều hạn chế trong thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững Hà Nội. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng đều giữa các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp; an toàn an ninh mạng ngày càng phức tạp; nhận thức của người dân chưa đầy đủ về tầm quan trọng của nền kinh tế số cũng như phát triển bền vững; dân số đông, nhưng chủ yếu là lao động nhập cư nên việc triển khai chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn…

Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và đến năm 2030 đạt trên 30% GDP. Để đạt được mục tiêu này, cần ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Với quan điểm phát triển kinh tế số là tất yếu và vô cùng quan trọng, ông Nguyễn Trung Hiền - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không chỉ là một chiến lược phát triển trong tương lai, mà còn là nhu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số toàn cầu…

Bằng các giải pháp như mục tiêu Chính phủ đã đề ra, Bắc Ninh phấn đấu phát triển mạnh mẽ và bền vững trong nền kinh tế số, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước…

Đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng.
Đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã cùng thông tin và chia sẻ về công nghệ lưu trữ dữ liệu hiện đại - Mở đường cho SmartCity và kinh tế số; xây dựng uy tín, niềm tin trên môi trường mạng (Digital Trust) - cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trên môi trường số; thúc đẩy thương mại điện tử đẩy mạnh sản phẩm địa phương…

Toạ đàm “Ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế trọng điểm và kinh tế số địa phương” tại hội thảo cũng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến giải pháp, hạ tầng số - nền tảng thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững.