Thực hiện an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp: Hiệu quả kép

Bài, ảnh: Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người nông dân thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã cho sản lượng tăng, giá thành tốt hơn, đặc biệt là sức khỏe của người lao động đảm bảo hơn trước.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Nguyễn Sỹ Thành (phải) và Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mỹ Trần Quyết Thắng giới thiệu mô hình xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Nguyễn Sỹ Thành (phải) và Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mỹ Trần Quyết Thắng giới thiệu mô hình xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng.

Thực hiện nghiêm quy định

Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, ngay từ đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 01/KH-UBND An toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2022. UBND TP giao Hội Nông dân Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội thực hiện Dự án Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn.

Thông tin về việc thực hiện ATVSLĐ trong cán bộ, hội viên nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Nguyễn Sỹ Thành cho biết: Năm 2022 Hội Nông dân huyện tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền thực hiện ATVSLĐ với tổng số 330 cán bộ, hội viên tham gia; 2 hội nghị tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm đề cập tới quy trình chăm sóc cây để đảm bảo ATVSLĐ, có hơn 300 người tham dự. Cùng với đó là một tọa đàm an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp, với nhiều trao đổi, giải đáp, tình huống được đặt ra rất thiết thực.

“Hiện nay, huyện Thanh Trì đã quy hoạch 3 xã tập trung trồng lúa là Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng; xã Vạn Phúc trồng hoa, cây cảnh và cây có múi; xã Yên Mỹ và Duyên Hà trồng rau hữu cơ, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Người nông dân trồng lúa ở những thửa ruộng lớn thực hiện cơ giới hóa, gieo mạ khay, máy cấy, gặt lúa và gần như không phải đi phun thuốc trừ sâu mà hợp tác xã đảm nhiệm với quy trình đảm bảo ATVSLĐ” – ông Nguyễn Sỹ Thành cho hay.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động, huyện Thanh Trì đã thực hiện đề án xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng, thí điểm tại xã Vạn Phúc, sau đó triển khai đến các xã Yên Mỹ, Duyên Hà. Hiện nay, cả 3 xã đều thực hiện ATVSLĐ và xử lý rác thải tại nguồn (rác thải hữu cơ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật), đây cũng là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện quy trình trồng rau VietGAP.

Theo đó, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sẽ được người nông dân cho vào thùng thu gom, đặt ngay bờ ruộng, sau đó sẽ có người của Công ty môi trường đô thị mang đi xử lý. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện Thanh Trì còn phối hợp với Ủy ban MTTQ, Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức giám sát các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy, các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc và bài bản quy định về an toàn lao động.

Giảm bệnh nghề nghiệp

Nhờ duy trì thực hiện quy trình trồng rau hữu cơ, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện ATVSLĐ, sức khỏe của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Ông Nguyễn Sỹ Thành chia sẻ: Qua các hội nghị và bản thân được tham gia các đoàn của HĐND huyện đi giám sát, tiếp xúc cử tri, đa phần người nông dân cho biết bệnh nghề nghiệp giảm đáng kể. Không còn câu chuyện trồng rau luống nhà ăn, luống bán vì người dân trồng theo quy trình có chất lượng như nhau. Do thực hiện ATVSLĐ và ăn rau quả sạch nên sức khỏe của người dân được cải thiện rõ rệt. Đáng chú ý, thu nhập từ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tăng gấp khoảng 4 lần so với trước đây, giá bán sản phẩm cao hơn.

Dẫn phóng viên đi thăm cánh đồng trồng rau, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mỹ Trần Quyết Thắng vui vẻ nói: "Nhờ được tham gia các hội nghị tuyên truyền ATVSLĐ do huyện và xã tổ chức nên bà con nông dân khi ra đồng phun thuốc đều thực hiện nghiêm quy định an toàn lao động như mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo kính, dùng kéo cắt vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật để không bị dính ra tay. Bên cạnh đó, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được cho vào túi nilon buộc kín rồi bỏ vào thùng rác riêng, mang đi tiêu hủy".

Hiện nay, trên những con đường nội đồng của xã Yên Mỹ, cứ khoảng 50 - 70m lại được bố trí một thùng rác màu xanh cỡ lớn để chứa các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật. Người dân cho rác hữu cơ vào bể riêng tại ruộng, khi đầy thì hợp tác xã sẽ thuê xe chở đi xử lý. “Chúng tôi vừa tổ chức tuyên truyền ATVSLĐ tại hội nghị đầu bờ, ai làm chưa đúng thì được nhắc nhở luôn nên mọi người thực hiện rất nghiêm túc. Các đoàn kiểm tra, khảo sát của huyện đánh giá vùng đồng bãi của Yên Mỹ đẹp và sạch, vệ sinh môi trường cơ bản tốt” – ông Trần Quyết Thắng cho hay.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện Thanh Trì tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ, hội viên nông dân thực hiện ATVSLĐ, an toàn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng hiệu quả sản xuất. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống ngày một tốt hơn.

 

Các hội viên nông dân cảm nhận rõ việc thực hiện ATVSLĐ giúp người khỏe khoắn hơn. Do thực hiện theo đúng chỉ dẫn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất rau màu cao hơn, hiệu quả kinh tế tăng lại tiết kiệm được chi phí. Đáng nói, thu nhập từ trồng rau tăng hơn 5 lần, mô hình trồng rau thủy canh cao gấp 7 – 8 lần.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Quyết Thắng

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần