Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được cảnh báo là địa bàn có nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm gia cầm cao nên trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội, các ngành, địa phương cũng nỗ lực vào cuộc với quyết tâm ngăn không cho dịch cúm xuất hiện.

Tập trung tiêm phòng,  vệ sinh tiêu độc

Là chợ đầu mối gia cầm lớn nhất Thủ đô, với quy mô buôn bán trung bình 70.000 con gia cầm/ngày, chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín luôn là "điểm nóng" được quan tâm nhiều nhất. Đến chợ Hà Vỹ thời điểm này, do thời tiết mưa, nồm nên sàn chợ luôn ẩm ướt. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Viết - Trưởng ban Quản lý chợ, công tác tiêu độc, khử trùng được thực hiện thường xuyên. Hàng tháng, chợ đóng cửa hai ngày 15 - 16 để tập trung tiêu độc khử trùng, đồng thời cung cấp thuốc khử trùng đến từng ki ốt cho các hộ kinh doanh. Trong hai tháng đầu năm 2014, toàn huyện Thường Tín đã tiêm vaccine cúm A/H5N1 cho 176.060 con gia cầm, tổ chức được hai đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng với diện tích phun được gần 3 triệu mét vuông.

Với tổng đàn gia cầm hơn 1,2 triệu con, huyện Phú Xuyên cũng là một trong những địa phương chăn nuôi trọng điểm của TP. Triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng hơn 600.000 liều vaccine cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm. Ông Nguyễn Đình Chiêu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, công tác tiêm phòng được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, huyện đã phát động hai đợt tổng vệ sinh tiêu độc với diện tích được tiêu độc đạt gần 7 triệu mét vuông, sử dụng gần 3.000 lít hóa chất sát trùng.

Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín. 	Ảnh: Quang Thiện
Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Ảnh: Quang Thiện

Tại huyện Đông Anh, địa phương có trên 2,3 triệu con gia cầm, 1,8 triệu con chim cút, có chợ đầu mối Bắc Thăng Long, lượng tiêu thụ trung bình 3.000 con gia cầm/ngày, công tác phòng chống dịch cúm cũng được đặc biệt quan tâm. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát, từ ngày 21/2, Trạm Thú y huyện đã chỉ đạo Ban Thú y cơ sở các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Ngoài ra, từ ngày 25 - 28/2, toàn huyện thực hiện ra quân vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, tập trung vào những xã có mật độ chăn nuôi lớn, các chợ buôn bán gia cầm…

Kiểm soát tốt việc vận chuyển gia cầm

Cùng với công tác tiêm phòng vaccine và vệ sinh tiêu độc môi trường để ngăn ngừa dịch cúm lây lan, việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đầu năm đến nay, huyện Thường Tín đã thực hiện kiểm soát thú y được trên 153 tấn thịt gia cầm, hơn 82.300 con gia cầm giống, hơn 275.000 con gia cầm lông. Đồng thời, tổ chức giải tỏa việc bán gia cầm tại cầu chui xã Thắng Lợi. Tuy nhiên, bà Chu Thị Minh Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho rằng, muốn giải quyết triệt để tình trạng bán gia cầm chui này cần có sự vào cuộc của cơ quan công an TP. "Gia cầm được vận chuyển bằng xe khách, đỗ trên đường cao tốc sau đó đưa xuống bán tại gầm cầu nên huyện rất khó xử lý " - bà Huyền chia sẻ.

Tại quận Hoàn Kiếm, mặc dù Trạm Thú y quận đã yêu cầu hơn 200 hộ kinh doanh gia cầm trên địa bàn ký cam kết đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định và vệ sinh phòng dịch, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng bán gia cầm sống tại một số phường. Đại diện Công an TP đề nghị, Ban Quản lý các chợ gia cầm cần yêu cầu người buôn bán phải có đồ bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, ủng... Đặc biệt, kiểm soát tốt ngay cả những xe vận chuyển gia cầm xé lẻ dưới 50 con, đảm bảo tất cả gia cầm vào chợ đều phải có giấy kiểm dịch.

Hà Nội là địa bàn chăn nuôi gia cầm lớn với tổng đàn trên 23 triệu con, song chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 60%. Hơn nữa, do nhu cầu tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm lớn trong khi hoạt động giết mổ và kiểm soát vận chuyển vẫn còn những hạn chế nhất định nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các ngành, các quận, huyện cần phải tăng cường lực lượng tại các điểm trực chốt kiểm dịch. Bởi, hiện các chốt kiểm dịch cố định còn mỏng về nhân lực, trong khi các đối tượng vận chuyển gia cầm theo mọi hướng. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần nâng cao vai trò trong quản lý tổng đàn gia cầm, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm trên địa bàn.

 
Để nâng cao năng lực phòng chống dịch cúm gia cầm, cuối tuần qua, Chi cục Thú y Hà Nội đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn những nội dung cơ bản của Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người do UBND TP ban hành cho gần 600 cán bộ thú y cơ sở.