Thực hiện đúng thiết kế, đảm bảo quy hoạch chung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, dư luận lại “nóng” lên việc nhiều hộ dân sống dọc dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy) phải… bắc thang để vào nhà vì nền nhà cao hơn mặt đường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là việc bất khả kháng để đảm bảo quy hoạch chung. Để giải quyết vấn đề này, UBND quận Cầu Giấy và các hộ dân có liên quan đã họp và thống nhất được phương án xử lý.

Nền nhà cao hơn mặt đường hơn 1m

Dự ánđường nối từ Bảo tàng Dân tộc học đến đường 32 (đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài) được khởi công xây dựng ngày 17/10/2014 và đưa vào sử dụng từ trước Tết Nguyên đán 2015 (thông xe kỹ thuật - PV). Dù chỉ mới thông xe kỹ thuật nhưng từ khi đi vào hoạt động, dự án đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng UTGT trong khu vực. Tuy nhiên, trên tuyến hiện còn một số bất cập ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, điển hình như việc nền nhà của các hộ dân quá cao so với vỉa hè.
Một số ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài có nền nhà cao hơn vỉa hè từ 1, 2 – 1,5m.
Một số ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài có nền nhà cao hơn vỉa hè từ 1, 2 – 1,5m.
Cụ thể, dọc hai bên tuyến đường, đoạn giữa tuyến thuộc địa bàn tổ dân phố 22, 24 phường Quan Hoa có khá nhiều trường hợp nền nhà của các hộ dân cao hơn rất nhiều so với vỉa hè. Thậm chí có những trường hợp cao đến 1,5m. Bên cạnh đó, nhiều đoạn trong khu vực đang tổ chức thi công hệ thống thoát nước, ốp lát vỉa hè… khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một số người dân sống trong khu vực cho biết, đa phần những hộ bị ảnh hưởng là nhà đã xây từ lâu, nằm trên sườn gò, trải qua nhiều lần cải tạo nên nền nhà cao hơn rất nhiều so với nền đường và những gia đình khác trong khu vực.

Cũng theo một số người dân ở đây, việc nền nhà cao hơn vỉa hè, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là có, nhưng chưa đến mức quá nghiêm trọng như dư luận đã phản ánh. Đơn cử như trường hợp của
Dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài có chiều dài 565,97m, rộng 50m, với tổng mức đầu tư hơn 969 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách quận Cầu Giấy, trong đó chi phí đền bù GPMB hơn 680 tỷ đồng, xây lắp hơn 79 tỷ đồng.
bà Nguyễn Thị Ngoan, tổ 22, phường Quan Hoa – ngôi nhà có độ chênh giữa vỉa hè và nền nhà gần 1,5m. “Cửa chính của nhà bà Ngoan từ trước đến nay là trong ngõ chứ không phải là mặt đường lớn như hiện nay. Do đó, nếu nói do nền nhà cao so với vỉa hè mà buộc gia đình phải dùng thang để chuyển đồ đạc, vào nhà là chưa chính xác” – một người dân sống trong khu vực cho biết.

Kiên quyết không phá vỡ quy hoạch

Theo ông Đỗ Đức Hồng Quang – Giám đốc Ban QLDA quận Cầu Giấy, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án đã giám sát, tổ chức thực hiện theo đúng thiết kế đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tình trạng một số nhà dân trên tuyến có nền nhà cao hơn so với mặt đường cũng đã nằm trong dự liệu của các ban, ngành. Tuy nhiên, dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài là đường đô thị, nằm trong quy hoạch chung của TP nên các hạng mục trên tuyến phải đảm bảo tính kết nối, phù hợp với hạ tầng hiện có trong khu vực, đặc biệt là hệ thống thoát nước. Theo thống kê của Ban QLDA quận Cầu Giấy, hiện tại, trên tuyến đường có 12 hộ dân có nền nhà cao hơn so với vỉa hè từ 1,2 – 1,5m.

Cũng theo ông Quang, sau khi nhận được thông tin phản ánh và ý kiến chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, tối 8/5, Ban QLDA quận, đơn vị thi công và các hộ dân có liên quan đã có buổi làm việc để thống nhất biện pháp xử lý. Tại buổi làm việc, các hộ dân đã thống nhất sẽ làm bậc lên xuống hoặc đường dẫn lên nhà, tuyệt đối không lấn chiếm chỉ giới đỏ, phá vỡ quy hoạch chung của tuyến đường. “Theo quy định, Ban QLDA không có trách nhiệm đối với những khu vực nằm ngoài chỉ giới đỏ của tuyến đường. Tuy nhiên, để sớm ổn định cuộc sống của người dân, Ban QLDA đã yêu cầu đơn vị thi công bố trí máy móc, trang thiết bị cần thiết phục vụ việc làm bậc lên xuống của người dân nếu có yêu cầu” – ông Quang cho biết.