Ngày 15/1, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2023 – 2024 với cấp THCS và THPT trên địa bàn TP.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng.
Cấp THCS tại Hà Nội có 675 trường, 14.969 lớp và 600.834 học sinh. So với cùng kỳ năm 2023, toàn cấp THCS đã tăng 6 trường, 61.844 học sinh. Với số học sinh như vậy, Hà Nội có 13.660 phòng học (tăng 544 phòng) và 35.315 cán bộ, giáo viên, nhân viên (tăng 1.747 người).
Kết thúc học kỳ I, có 458.034 học sinh khối 6, 7, 8 hoàn thành đánh giá, trong đó tỷ lệ rèn luyện tốt đạt 91,6%; có 35,1% học sinh xếp loại học lực Giỏi. Với lớp 9, có 596.134 học sinh được đánh giá với tỷ lệ đạt loại Tốt là 91,2%, đạt học lực Giỏi chiếm 37%.
Với cấp THPT, toàn TP có 237 trường với gần 303.000 học sinh và hơn 17.000 giáo viên. So với cùng kỳ năm học trước, toàn cấp học tăng 5 trường, 714 lớp, 26.270 học sinh.
Tỷ lệ học sinh THPT xếp loại học lực giỏi theo Thông tư số 58/TT- BGDĐT (áp dụng cho học sinh lớp 12) và xếp loại tốt theo Thông tư số 22/TT-BGDĐT (áp dụng cho học sinh lớp 10 và 11) tăng lên đáng kể. Qua thống kê, tỷ lệ học sinh lớp 12 của TP xếp loại học lực Giỏi đạt hơn 67%; tỷ lệ học sinh lớp 10 và 11 xếp loại học lực Tốt đạt gần 50%.
Đánh giá chung của Sở GD&ĐT cho thấy, các trường THCS và THPT trên địa bàn TP đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ học kỳ I năm học 2023 – 2024; thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; chủ động, linh hoạt xây dựng, triển khai thực hiện chương trình.
Đáng lưu ý, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học tại các nhà trường tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho việc tổ chức dạy - học, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.
Trong học kỳ II, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường THPT tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh bảo đảm yêu cầu thực chất; tăng cường tổ chức cho học sinh vận dụng, thực hành và trải nghiệm.
Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 12 - khối lớp cuối cùng của cấp THPT thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, các trường cần chủ động rà soát và chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; tăng cường tập huấn chuyên môn cho giáo viên, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Liên quan đến vấn đề giáo viên, Sở cũng chỉ đạo các nhà trường rà soát, thống kê số lượng, cơ cấu giáo viên cấp THPT theo chuẩn đào tạo quy định tại Luật Giáo dục để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung.
Với cấp THCS, các đơn vi tăng cường tổ chức chuyên đề cấp TP, quận/huyện về đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá các môn, tập trung ở lớp 8,9; chỉ đạo, kiểm tra việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thiết bị thực hành; làm tốt công tác xét tốt nghiệp THCS, chuẩn bị tốt cho tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025; tuyên truyền, chọn lựa giới thiệu sách giáo khoa lớp 9 theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện đầu tư, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong GD&ĐT, tập trung vào 2 nội dung chính: Chuyển đổi số trong quản lý và chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng của các trường công nhận mới/công nhận lại đạt chuẩn quốc gia; quản lý, sử dụng tốt thiết bị dạy học, khuyến khích tự làm đồ dùng dạy học.
Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Kế hoạch số 4340/KH-SGDĐT về tổ chức phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 để hiệu quả phong trào được lan tỏa và sâu rộng hơn.