Cùng dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các tỉnh, TP Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Lãnh đạo TP Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã trình bày tóm tắt nội dung 2 đồ án quy hoạch: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 - nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành trong năm 2024 của Hà Nội để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho lãnh đạo TP Hà Nội.
Hoàn thành 2 quy hoạch rất quan trọng của Thủ đô
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, chúc mừng TP Hà Nội đã hoàn thiện 2 quy hoạch rất công phu, trên cơ sở kế thừa những quy hoạch trước đây và tìm ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mới.
Thủ tướng đánh giá cao Quy hoạch Hà Nội vừa được phê duyệt đã tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện Quy hoạch cần tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; có biện pháp huy động nguồn lực phù hợp, hiệu quả; tôn trọng Quy hoạch và khi cần điều chỉnh thì cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thủ tướng đề nghị Hà Nội nghiên cứu xây dựng cung triển lãm quy hoạch xứng tầm để vừa tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân, vừa thu hút đầu tư, đồng thời là một sản phẩm du lịch; xây dựng "làng trong phố, phố trong làng". Cùng đó, tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, phát huy tối đa truyền thống, bản sắc văn hóa – lịch sử phong phú, hào hùng; khai thác hiệu quả không gian ngầm, không gian vũ trụ, không gian mặt nước, hồ ao, đặc biệt là sông Hồng…
“Nếu Hà Nội thực hiện nghiêm các đồ án quy hoạch lớn vừa được thông qua, TP sẽ có bước tiến quan trọng, đột phá, góp phần vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh
Phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Trước đó, ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Quan điểm cốt lõi của quy hoạch là “con người là trung tâm của sự phát triển”, với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc.
Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó, phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 27/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
Một trong những nội dung chính của Quy hoạch là định hướng phát triển không gian cho Thủ đô Hà Nội với không gian tổng thể, không gian theo khu vực; định hướng phát triển nông thôn, không gian xanh, hành lang xanh, vành đai xanh; định hướng kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị tổng thể; định hướng quy hoạch không gian ngầm; định hướng quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật…