Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Thực hiện tốt “4 tại chỗ” để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn được TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trước diễn biến thời tiết ngày một cực đoan, khó lường, việc chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” sẽ là giải pháp hạn chế tối đa thiệt hại.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về nhận định tình hình và giải pháp ứng phó trước mùa thiên tai năm 2023.

Ba loại hình thiên tai có nguy cơ cao

Thưa Phó Chủ tịch, ông có thể đánh giá khái quát về công tác PCTT&TKCN trên địa bàn Hà Nội thời gian qua?

- Năm 2022, TP chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão, 13 đợt mưa, 22 đợt không khí lạnh và 9 đợt nắng nóng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, TP tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại, mưa dông…. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Dù vậy, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND và sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội, công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đã được triển khai toàn diện, có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, đồng thời nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về nguy cơ ảnh hưởng của các loại hình thiên tai đến khu vực Hà Nội trong năm 2023?

- Năm 2023, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn Hà Nội được nhận định sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là nguy cơ hạn hán, nắng nóng. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao, nhất là tại địa bàn huyện Sóc Sơn. Cùng với đó là nguy cơ cháy nổ trong các khu dân cư.

Bên cạnh hạn hán, nắng nóng, khả năng ngập úng cục bộ tại khu vực nội đô, vùng trũng thấp của Hà Nội là không thể chủ quan. Đây là vấn đề thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây, khi thời tiết có mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và được TP hết sức quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiểm tra sự cố sạt lở tại huyện Mỹ Đức.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiểm tra sự cố sạt lở tại huyện Mỹ Đức.

Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các giải pháp nào nhằm ngăn chặn nguy cơ đến từ hạn hán, nắng nóng và ngập úng cục bộ, thưa Phó Chủ tịch?

- Trên cơ sở đánh giá nguy cơ hạn hán, Hà Nội đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống hồ chứa thuỷ lợi để trữ nước phục vụ đời sống sản xuất, dân sinh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm.

Đối với vấn đề nắng nóng, có nguy cơ cao gây ra cháy rừng, TP đang chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND huyện Sóc Sơn lên phương án ứng phó cụ thể. Trong đó lưu ý đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, để khi có sự cố cháy rừng thì kịp thời ngăn chặn, không để lây lan diện rộng. TP cũng đang tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, nhằm hạn chế, không để xảy ra các vụ cháy nổ trong khu vực sản xuất và khu dân cư.

Liên quan đến nguy cơ mưa lớn kéo dài có thể gây ngập úng cục bộ, nhất là tại khu vực nội đô, vùng trũng thấp, TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành nạo nét, khơi thông, hút bùn trong cống rãnh để không gây ách tắc dòng chảy. Cùng với đó là bảo đảm các điều kiện tốt nhất nhằm vận hành hiệu quả Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa để sẵn sàng tiêu úng cho nội đô.

Sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”

Chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2023, TP sẽ tập trung vào những nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nào, thưa Phó Chủ tịch?

- Công tác PCTT&TKCN luôn được TP xác định là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục và trên tinh thần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đây là nguyên tắc bất di bất dịch đối với công tác PCTT&TKCN trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cải tạo sông Tích tại huyện Ba Vì.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cải tạo sông Tích tại huyện Ba Vì.

Ngoài các giải pháp cụ thể ứng phó với một số loại hình thiên tai có nguy cơ cao kể trên, TP sẽ sớm tổ chức tổng kết, đánh giá công tác PCTT&TKCN năm 2022, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2023. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các sở, ban ngành, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố. Thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của các cấp, các ngành. Đồng thời, bố trí đủ nguồn lực để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”.

Để chỉ đạo và triển khai công tác PCTT&TKCN chủ động, tích cực và hiệu quả, Phó Chủ tịch có đề xuất và kiến nghị gì với Trung ương và các bộ ngành?

- Hà Nội mong muốn Chính phủ và các bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện các giải pháp công trình nhằm xóa bỏ trọng điểm phòng, chống lụt, bão. Triển khai thực hiện hiệu quả các Quy hoạch phòng, chống lũ và hệ thống đê điều sông Hồng, sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 và Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014.

Hà Nội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tăng cường các công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn. Đồng thời, rà soát, đánh giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

        Xin cảm ơn Phó Chủ tịch! 

 

Từ năm 2022 đến tháng 4/2023, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 4 người chết do bị sét đánh; 30 ngôi nhà bị hư hỏng; gần 12.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; trên 200 cây xanh gãy, đổ; khoảng 36.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Bên cạnh đó là 39 sự cố gây sạt lở, hư hỏng các công trình đê điều, thuỷ lợi…