Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hư ông Trump gửi "mặt hàng khan hiếm" cho ông Putin giữa đại dịch

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc trao đổi giữa ông Putin và ông Trump diễn ra "khi đại dịch bắt đầu", theo Điện Kremlin.

Điện Kremlin vừa qua xác nhận, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi các kit xét nghiệm Covid cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi dụng cụ này còn khan hiếm trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Donald Trump. Ảnh: Sputnik

Cụ thể, Người phát ngôn của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov gần như xác nhận lời kể của Woodward, một tác giả sách, khẳng định ông Trump đã bí mật gửi các kit xét nghiệm cho cá nhân Tổng thống Nga để sử dụng. 

Theo đó, ông Peskov hôm 10/10 khẳng định với báo giới rằng "tất cả các quốc gia đều cố gắng trao đổi" trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi không có đủ thiết bị. "Chúng tôi đã gửi một nguồn cung cấp máy thở cho Mỹ, trong khi họ gửi những xét nghiệm này cho Nga", ông cho biết. Ông Peskov cũng thông tin, các cuộc trao đổi diễn ra "khi đại dịch bắt đầu", đồng thời nói thêm rằng vào thời điểm đó, các kit xét nghiệm là "mặt hàng khan hiếm".

Tác giả Woodward cũng khẳng định, ông Trump và ông Putin có thể đã trao đổi tới 7 lần qua điện thoại kể từ năm 2021, bao gồm cả sau chiến dịch quân sự đặc biệt Nga triển khai vào Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022.

Tuy nhiên, ông Peskov đã phủ nhận thông tin này, nói rằng các cuộc gọi "không xảy ra".

Chi tiết về mối quan hệ của ông Trump với ông Putin được nêu trong một cuốn sách mới của Woodward, phóng viên người Mỹ kỳ cựu, có vai trò đóng góp điều tra ra vụ bê bối Watergate dẫn đến việc ông Richard Nixon từ chức tổng thống Mỹ. Tác giả Woodward đã viết và là đồng sáng tác ba cuốn sách về nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.

Tác phẩm mới nhất của ông tập trung vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden và đề cập đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến dịch của Israel chống lại Hamas và địa chính trị của nước Mỹ. 

Theo The Guardian, những tiết lộ về mối quan hệ của ông Trump và ông Putin đã làm sáng tỏ thêm nguyên nhân việc cựu Tổng thống Mỹ gây sức ép ngăn chặn viện trợ quân sự cho Ukraine. Mặt khác, những thông tin này, có thể gây tổn hại đến sự ủng hộ đáng kể với ông Trump từ nhóm cử tri vốn vẫn vững vàng bất chấp nhiều vụ bê bối, vụ án hình sự và dân sự và việc ông bị kết án 34 tội, nghiêm trọng, trong đó có liên quan đến kết quả cuộc bầu cử năm 2016.

Mặt khác, phát ngôn viên Điện Kremlin đã phủ nhận tuyên bố của giám đốc M15, Ken McCallum, rằng cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga "đang thực hiện nhiệm vụ nhằm gây hỗn loạn tại Anh và châu Âu".

Vấn đề này đã được các bộ trưởng ngoại giao EU nêu ra vào tháng 5, khẳng định sự lo ngại của họ về "hành vi phá hoại về mặt vật chất, có tổ chức, được tài trợ và thực hiện bởi các lực lượng ủy nhiệm của Nga".

Đáp lại những bình luận của ông McCallum, Phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết những cáo buộc này không đáng để quan tâm. Ông cho biết: “Tất cả những tuyên bố này đều hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở”.