Để quản lý, vận hành tốt, đặc biệt là để nắm bắt được tình hình học tập, đổi mới cách dạy của giáo viên (GV), theo bà Phan Hà Thủy – Hiệu trưởng Hệ thống trường liên cấp Vinschool, trước hết Hiệu trưởng nắm bắt công việc của trường thông qua giao tiếp với GV, học sinh, phụ huynh... sẽ hiệu quả hơn thông qua đọc báo cáo.
Bà Thủy chia sẻ: “Những năm gần đây, ở nhiều công ty, các tập đoàn nổi tiếng đã thay đổi cách làm, đánh giá người làm việc (nhân viên) không dựa vào chỉ số báo cáo, mà qua trao đổi thường xuyên với nhân viên. Họ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên và có những hình thức khuyến khích, động viên, từ đó năng suất lao động rất hiệu quả. Đối với GD&ĐT, năng lực quản lý trường học rất cần thiết để thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn nghề nghiệp, góp phần đổi mới hoạt động quản lý nhà trường, đổi mới dạy và học. Bởi thế, giáo dục cũng cần những thay đổi, thay đổi từ cách quản lý của hiệu trưởng nhà trường.
Một ví dụ rất thực tế, trước đây, tôi đã từng làm Hiệu trưởng của một trường quốc tế Mỹ, GV người Mỹ. Khi thành lập trường, cơ sở vật chất thiếu, chưa ổn định, đường điện bị nước mưa rò rỉ gây nổ. Có nhiều phụ huynh, GV kéo đến phòng làm việc, yêu cầu tôi từ chức. Sau khi phân tích: Do chưa hoàn thiện, do thiếu kinh phí..., cuối cùng phụ huynh nói: “Sao không chia sẻ với chúng tôi”. Qua câu chuyện nhỏ này thấy rằng, việc bao quát, chia sẻ với GV, học sinh, phụ huynh vô cùng quan trọng đối với một lãnh đạo nhà trường. Người lãnh đạo phải nỗ lực, sâu sát với cấp dưới, không chỉ ngồi một chỗ, nhìn nhận công việc thông qua báo cáo, văn bản. Một người lãnh đạo thành công là người quan tâm đến đời sống của GV, hiểu được tâm tư nguyện vọng của GV, học sinh và phụ huynh. Qua đó, có kế hoạch, định hướng công việc đúng, rõ ràng, chất lượng”.
Ảnh minh họa
|