Thúc tiến độ kê khai thiệt hại do Formosa gây ra

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/8, tại Thừa Thiên Huế, Bộ (Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn) NN&PTNT tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương quyết liệt hoàn thành xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường bởi xả thải của nhà máy Formosa gây ra. Đồng thời xây dựng các định mức và đơn giá của địa phương để gửi về Bộ NN&PTNT. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ để áp định mức chung cho các địa phương làm căn cứ đền bù thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Vũ Văn Tám (bìa phải) phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (bìa phải) phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, hội nghị tại tỉnh Thừa Thiên Huế là dịp để Bộ tiếp tục lắng nghe khó khăn, vướng mắc của các địa phương để xem có vấn đề gì cần bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo việc bồi thường đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 9, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án phân bổ kinh phí bồi thường cho ngư dân từ nguồn đền bù thiệt hại của Formosa.

Theo công văn hướng dẫn kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển do Bộ NN&PTNT ban hành, các đối tượng trực tiếp bị thiệt hại gồm: Chủ tàu và người lao động trên tàu/thuyền không lắp máy hoặc có lắp máy công suất dưới 90CV; người lao động sống ven biển làm nghề khai thác thủy sản có tính chất đơn giản và thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm, phá…; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; kinh doanh thủy sản ven biển. Đối tượng gián tiếp bị thiệt hại gồm dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch thương mại ven biển. Thời gian tính thiệt hại là 6 tháng, từ tháng 4 – hết tháng 9/2016. Các địa phương phải tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp kết quả thống kê, xác định thiệt hại, báo cáo Bộ NN&PTNT trước ngày 10/9.

Đối với khai thác thủy sản, Bộ NN&PTNT đã đưa ra 4 phương án thảo luận. Thứ nhất, cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Án đến hết hòn Sơn Chà và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Thứ hai là cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm ba vùng biển như Bộ TN&MT khuyến cáo cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh) với diện tích 300km2, Nhật Lệ (Quảng Bình) với diện tích 330 km2, hòn Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế) với diện tích 160km2 và tăng cường công tác giám sát ATTP sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Thứ ba là cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khia thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ, cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đối với các nghề lưới, kéo, rê đáy, lăn, lồng bẫy.

Thứ tư là cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về.

Đối với nuôi trồng thủy sản: Khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản bình thường trên biển và vùng ven biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh , Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Các phương án này đã nhận được sự thảo luận sôi nổi của các địa phương. Dự kiến, sau hội nghị này, 4 tỉnh và Bộ NN&PTNT sẽ chọn một phương án tốt nhất là cho phép khai thác hải sản bình thường trở lại hoặc cấm ở một vài điểm còn có khả năng ô nhiễm như công bố của Bộ TN&MT.

Trước đó, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã tập trung triển khai hướng dẫn các địa phương bị ảnh hưởng bởi xả thải từ Formosa thống kê thiệt hại từ cơ sở lên cấp tỉnh. Bộ NN&PTNT cũng cử một nhóm công tác vào  Hà Tĩnh để thí điểm hướng dẫn kê khai thiệt hại từ thôn, ấp trở lên. Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai nhiệm vụ này.  Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng giải pháp khôi phục môi trường, rạng san hô và hệ sinh thái thủy sản cũng như giải pháp hỗ trợ việc làm, tạo việc làm tại chỗ cho ngư dân ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần