Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực trạng chứng sợ thiếu điện thoại di động ở sinh viên

Theo Báo Giáo dục & Thời đại
Chia sẻ Zalo

Chứng sợ thiếu điện thoại di động gây ra tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, làm ảnh hưởng cuộc sống, thói quen hàng ngày của sinh viên.

Con số đáng quan ngại

Nhóm tác giả: Vũ Xuân Anh (Trường CĐ FPT Polytechnic) và Nguyễn Hà Trang, Phạm Huyền Trang (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã triển khai một khảo sát trên 450 sinh viên từ năm nhất đến năm tư tại một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nội dung nghiên cứu về thực trạng mức độ căng thẳng học tập và chứng sợ thiếu điện thoại di động của sinh viên trên địa bàn Hà Nội; mối quan hệ tương quan giữa hai yếu tố này.

Kết quả khảo sát được nhóm nghiên cứu báo cáo tại Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu: Cơ hội và thách thức” do Hội tâm lý trị liệu Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Charite thuộc CHLB Đức tổ chức.

Cụ thể, theo khảo sát, trong số 450 sinh viên được khảo sát, chỉ có 1,6% không có chứng sợ thiếu điện thoại; 18% có chứng sợ thiếu điện thoại ở mức nhẹ, 54.2% ở mức trung bình và 26.2% sinh viên sợ thiếu điện thoại ở mức cao.

Đây là một con số đáng quan ngại vì những hệ quả tiêu cực khi sử dụng điện thoại di động ảnh hưởng đến nhiều mặt cuộc sống đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Sự phụ thuộc điện thoại làm nảy sinh căng thẳng khi một người không kiểm tra điện thoại di động của họ trong một thời gian.

Từ đó cho thấy cần có những biện pháp hỗ trợ tâm lý kịp thời cho sinh viên nhằm làm giảm mức độ sợ thiếu điện thoại di động, tránh dẫn tới những ảnh hưởng, hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Cũng theo nghiên cứu này, sinh viên nam có chứng sợ thiếu điện thoại di động thấp hơn so với sinh viên nữ.

Trong 4 yếu tố của chứng sợ thiếu điện thoại di động, sinh viên đánh giá nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sợ không được giao tiếp. Sau đó, các nguyên nhân khác dẫn đến chứng sợ thiếu điện thoại di động theo mức độ từ cao xuống thấp là: sợ không tiếp cận được thông tin, sợ từ bỏ tự thuận tiện, sợ mất kết nối.

Ảnh minh họa/ITN.  
Ảnh minh họa/ITN.  

Chứng sợ thiếu điện thoại di động và căng thẳng trong học tập

Cũng theo kết quả khảo sát,căng thẳng học tập có mối tương quan chặt chẽ với chứng sợ thiếu điện thoại di động. Khi mức độ căng thẳng học tập càng cao thì chứng sợ thiếu điện thoại di động càng tăng và ngược lại.

Các nghiên cứu trước đây trên thế giới cũng ủng hộ sự tồn tại của mối quan hệ giữa chứng sợ thiếu điện thoại di động và các vấn đề sức khỏe tâm thần trong đó có căng thẳng.

Nghiên cứu của Thomée S (2007) cho thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần là hệ quả của việc sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị điện tử với tần suất cao.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, chứng sợ thiếu điện thoại di động có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần ở sinh viên đại học (Jenaro và cộng sự, 2007; Yen và cộng sự, 2008; Beranuy và cộng sự 2009).

Việc sử dụng điện thoại di động cũng được coi là cách để giết thời gian rảnh hoặc thay thế các hoạt động khác khi bị lo lắng (Reid và cộng sự, 2006).

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, điện thoại di động là kênh giao tiếp phổ biến giữa các cá nhân vì vậy khi gặp căng thẳng học tập sinh viên thường sử dụng điện thoại di động để kết nối với bạn bè, mạng xã hội để thực hiện các chiến lược ứng phó với căng thẳng học tập (Sasaki và Yamasaki, 2007; Siu và Chang, 2011) vì vậy khi thiếu đi điện thoại di động sẽ khiến căng thẳng học tập của sinh viên gia tăng.

Các phát hiện trong nghiên cứu này cũng củng cố thêm mối quan hệ giữa chứng sợ thiếu điện thoại di động và căng thẳng học tập. Bằng cách tăng cường hỗ trợ tâm lý và nâng cao khả năng ứng phó với căng thẳng học tập của sinh viên, chúng ta có thể cải thiện được mức độ căng thẳng học tập và giảm chứng sợ thiếu điện thoại di động, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.