Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuốc điều trị đau mắt đỏ có những loại nào?

Lan Anh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài Tobrex, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin, Tobramycin… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Hiện nay, ngoài Tobrex, trên thị trường có nhiều loai thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin, Tobramycin… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ.

Thuốc điều trị đau mắt đỏ có những loại nào? - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Những ngày qua, mặc dù nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc mua thuốc điều trị đau mắt đỏ, song Sở Y tế Thành phố khẳng định, trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh khác nhau và đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân.

Qua khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh Levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, Ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm 900.000 lọ); Tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm 280.000 lọ)… Như vậy, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường TP Hồ Chí Minh là rất lớn, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến cáo, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid bởi không chỉ không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Theo báo cáo của Sở, từ đầu năm 2023 đến ngày 5/9, tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh do viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng từ ngày 1-10/9, con số này là 5.039 ca, tăng 96,5% so với 10 ngày trước đó (2.565 ca). Trong số đó 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước (174 ca). Số trẻ dưới 16 tuổi bị đau mắt đỏ trong 10 ngày qua là 3.708 ca, chiếm 73,6%, tăng 2,8 lần so với 10 ngày trước; trong đó 116 ca có biến chứng.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút là:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Dùng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

- Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Lưu ý chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định, thường 5-7 ngày.