[Thuốc&Dinh dưỡng] Cẩn trọng khi dùng thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân

Nam Trần (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cân nặng luôn là vấn đề gây nhiều nỗi ám ảnh, nhất là với phái đẹp bị "quá cân". Thực tế có rất nhiều chị em khổ sở vì cân nặng của mình, không dám ăn nhiều, không tự tin khi giao tiếp với người xung quanh.

Các bác sĩ cho biết, béo phì không chỉ ảnh hưởng về ngoại hình, thẩm mỹ mà còn gây nên các bệnh lý nghiêm trọng như tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, viêm tụy cấp, các bệnh lý hô hấp, xương khớp…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân và béo phì là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Chỉ số khối cơ thể - BMI là chỉ số thường được sử dụng xác định một người có thừa cân béo phì hay không và được tính bằng cách lấy cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng m). Nếu chỉ số khối cơ thể ≥ 30 (kg/m2) được định nghĩa là béo phì.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng cho biết, trước đây người dân hay quan niệm "béo" mới là "tốt", nhưng không hoàn toàn là như vậy. Thực tế, thừa cân, béo phì gây nhiều bệnh lý phức tạp và tỷ lệ người bị thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt là các TP, khu vực có mức sống cao.
Để giảm thừa cân, béo phì, hiện nay có rất nhiều phương pháp được quảng cáo, từ chế độ ăn đến tập luyện và kể cả can thiệp ngoại khoa. Đánh trúng tâm lý, nhiều chị em khi nghe quảng cáo giảm béo “thần tốc” giúp cơ thể thon gọn nhanh chóng thì dễ dàng tin theo.
Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Thị Hương, phương pháp nào cũng phải quan tâm hàng đầu là an toàn và hợp lý. “Thực tế, có nhiều loại thuốc khác nhau cho mình cảm giác no, ăn ít đi, nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng hệ tiêu hóa. Ngoài ra thuốc còn tác động đến nội tiết gây rối loạn, bất bình thường. Thường béo phì do gen, nội tiết chiếm 90%; còn lại do hành vi ăn uống hàng ngày. Do đó, dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ” - GS.TS Lê Thị Hương nhấn mạnh. Đã có nhiều người dùng thuốc thấy hiệu quả ngay lập tức, nhưng khi dừng lại, cân nặng lại tăng như cũ, thậm chí còn nặng hơn, bởi dùng thuốc gây ra tình trạng rối loạn trong cơ thể.
Nhiều người ăn kiêng kham khổ và tập luyện “điên cuồng” để ép cân, GS.TS Hương khuyên, điều đó không nên, mà cần chế độ ăn uống cân đối, khoa học, tập luyện hợp lý, phù hợp với cơ thể từng người.
“Chúng ta kiêng khem quá mức, tập luyện hùng hục, phải cân nhắc xem xét hậu quả gây ra cho sức khoẻ của mình, chứ không chỉ chăm chăm giảm cân. Giảm cân mà cơ thể suy yếu, chân tay không muốn làm gì thì giảm cân làm gì?” - GS.TS Hương nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần