[Thuốc&Dinh dưỡng] Thảo dược trị gan nhiễm mỡ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gan nhiễm mỡ hay còn gọi gan thoái hóa mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Bình thường lượng mỡ chiếm khoảng 3 - 5% trọng lượng của gan.

Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5 - 10%, nếu 10 - 25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng. Mức độ gan nhiễm mỡ cũng phụ thuộc vào bệnh chính gây ra và việc tuân thủ chế độ điều trị bệnh. Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, muốn điều trị gan nhiễm mỡ thì phải điều trị bệnh chính gây ra gan nhiễm mỡ và không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi tình trạng này nếu như không điều trị nguyên nhân.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ như béo phì, tiểu đường, tăng lipid máu, nghiện rượu, viêm gan siêu vi, do sử dụng một số thuốc như corticoid, tamoxiphen, amiodarone… Đặc biệt, khoảng 70% bệnh nhân gan nhiễm mỡ là do béo phì.

Các thảo dược hỗ trợ các thể theo Đông y:

Đờm trọc ngăn trở: Cholesterol trong máu tăng cao, đầu váng, đầu nặng, cơ thể béo phì, ngực bụng đầy trướng, khó chịu, người nặng nề, không muốn hoạt động, rêu lưỡi vàng bệu, mạch hoạt, thực; pháp trị: Táo thấp, khứ đờm, hóa trọc, giáng chỉ (hạ cholesterol); dùng bài Ôn đởm thang gia giảm: Trần bì 8g, bán hạ 8g, bạch linh 12g, qua lâu 10g, chỉ thực 10g, trúc nhự 8g, hoàng cầm 8g.

Tỳ hư thấp khốn: Cholesterol trong máu tăng cao, hoạt động mệt, ăn ít, bụng đầy, hụt hơi, sắc mặt không tươi, chân hơi sưng phù, phân lỏng nát, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch hoãn, nhược; pháp trị: Ích khí, kiện Tỳ, thấm thấp, giáng chỉ; dùng bài Sâm linh bạch truật tán gia giảm: Đảng sâm 16g; bạch truật 12g; sa nhân 6g, bạch linh 8g, cam thảo 4g, hoài sơn 12g, cát cánh 8g, ý dĩ 12g, trần bì 6g thần khúc 12g, sơn tra 10g.

Can uất khí trệ: Cholesterol máu tăng, hai bên hông sườn trướng đau, nấc, ợ hơi, phiền táo, dễ tức giận, đầu váng, đầu đau, miệng đắng, họng khô, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch huyền; pháp trị: Sơ Can, lý khí, hòa Vị, giáng chỉ; dùng bài Sài hồ sơ can tán gia giảm: Sài hồ 8g, bạch thược 12g, chỉ xác 8g, trích thảo 4g, xuyên khung 8g, sơn tra 10g, hạ khô thảo 10g, huyền hồ 10g.

Can Thận hư tổn: Cholesterol trong máu cao, đầu váng, hoa mắt, cử động thì hụt hơi, lưng đau, chân yếu, mắt mờ, tai ù, tai kêu, mất ngủ, hay mơ, trí nhớ giảm, lưỡi hơi đỏ, mạch huyền, tế; pháp trị: Dưỡng huyết, nhu Can, ích Thận, giáng chỉ (hạ mỡ); dùng bài Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm: Đan bì 12g, cúc hoa 12g, trạch tả 12g, thục địa 32g, sơn thù 16g, hà thủ ô 12g, kỷ tử 12g, nữ trinh tử 10g, tang ký sinh 20g, hoàng tinh 10g, đan sâm 16g.

Huyết ứ ngăn trở: Cholesterol máu cao, ngực đau lan ra sau lưng, phiền muộn, đầu váng, đầu đau, đau không di chuyển, chân tay và cơ thể tê dại, lưỡi đỏ tím hoặc có vết ứ huyết, mạch tế sáp; pháp trị: Hoạt huyết, hóa ứ, thông kết, giáng chỉ; dùng bài Huyết phủ trục ứ thang gia giảm: Quy xuyên 12g, xích thược 15g, bồ hoàng 8g, đào nhân 16g, xuyên khung 6g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, hồng hoa 12g, sinh địa 12g, sơn tra 10g, chỉ xác 8g.

Hiện nay điều trị gan nhiễm mỡ nên kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền sẽ có kết quả rất tốt. Bệnh nhân nên đến các khoa Y học cổ truyền tại các bệnh viện để được khám điều trị và tư vấn bệnh lý phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần