Vitamin C là một chất chống oxy hóa tốt, tham gia hầu hết vào các phản ứng quan trọng của cơ thể, là chất kích hoạt emzyme, chất khử của các chất, tham gia vào quá trình tổng hợp hormon.
Vitamin C kìm hãm sự lão hóa của tế bào nhờ các phản ứng chống oxy hóa giúp cơ thể trẻ ngăn chặn các ảnh hưởng xấu của các gốc tự do.
Vtamin C kích thích sự bảo vệ các mô, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành collagen, một protein quan trọng đối với sự tạo thành và bảo vệ các mô như da, sụn, mạch máu, xương và răng.
Do vitamin C cũng tham gia trong quá trình bảo vệ các mô và tế bào nên giúp quá trình liền sẹo diễn ra nhanh hơn. Vitamin C khi được kết hợp với vitamin E sẽ tạo ra một nhân tố quan trọng làm chậm quá trình phát bệnh của một số bệnh ung thư.
Do vitamin C là nhân tố kích thích tổng hợp nên interferon là một chất ngăn ngừa sự xâm nhập của virus và vi khuẩn vào bên trong tế bào nên nó giúp tăng cường khả năng chống nhiễm khuẩn.
Vitamin C hỗ trợ chức năng giải độc của gan, giúp đào thải các chất độc có hại đối với cơ thể như thuốc trừ sâu, các kim loại nặng, CO2, SO2 và cả các chất độc do cơ thể tạo ra, qua việc trung hòa hoặc làm giảm độc tính của các chất độc khi vào cơ thể trẻ.
Vitamin giúp ngăn ngừa chứng thiếu máu do vitamin kích thích sự hấp thu sắt ở ruột non; làm cho sắt II duy trì được trạng thái hoàn nguyên, tăng hấp thu, chuyển dịch tồn trữ sắt trong cơ thể, kích thích quá trình tạo hồng cầu làm giảm nguy cơ thiếu máu ở trẻ em.
Vitamin này tham gia vào sự sản xuất và giải phóng hormone vỏ thượng thận; làm cho canxi trong ruột không tạo thành hợp chất khó tan giúp quá trình hấp thụ canxi diễn ra tốt hơn đồng thời giúp chuyển hóa cholesterol trong cơ thể thành một sulfattan trong nước để bài tiết ra ngoài cơ thể góp phần làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Bệnh thiếu vitamin C (scorbut) được y học mô tả từ 1.550 năm trước Công nguyên nhưng đến năm 1928, con người mới chiết tách được vitamin C, và đến năm 1933 mới tổng hợp được vitamin C, từ đó vitamin C được sản xuất công nghiệp. Albert Szent Gyorgyi là người khám phá ra vitamin C đã nhận được giải thưởng Nobel.
Trẻ em là nhóm có nguy cơ thiếu vitamin C nếu chế độ ăn không đầy đủ hoặc do chế biến không phù hợp, nhất là trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi. Biểu hiện của thiếu vitamin C có thể là chảy máu ở lợi hoặc chảy máu cam, mệt mỏi, biếng ăn, các vết thương lâu lành, thiếu máu và chậm phát triển… rất có hại về mặt sức khỏe của trẻ, cả về thể lực lẫn trí lực. Thiếu hụt vitamin C sẽ diễn biến tuần tự theo 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, buồn ngủ, đau nhức cơ khớp, giảm cân.
Giai đoạn 2: Chảy máu nướu răng, kém tập trung.
Giai đoạn 3: biến chứng xương khớp, vết thương không lành, hư răng, tụ máu trên da, trầm uất, mạch máu dễ vỡ, thiếu máu, suy tim, bội nhiễm.
Hơn 90% lượng vitamin C trong khẩu phần được cung cấp từ trái cây và rau củ. Các thực phẩm khác mặc dù cũng chứa lượng nhỏ vitamin C nhưng không được xem là nguồn vitamin C. Cần lưu ý: Vitamin C rất dễ bị hao hụt trong quá trình chuẩn bị, chế biến và tồn trữ do tính chất dễ hòa tan trong nước, dễ bị phân hủy bởi oxy (không khí) đặc biệt là ở nhiệt độ cao.