70 năm giải phóng Thủ đô

Thượng đỉnh Trung Quốc - EU không kém đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giống như Mỹ, nhiều nước EU đang muốn định hình lại các khoản trợ cấp công nghiệp và chuyển giao công nghệ bắt buộc của Bắc Kinh.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau tại Brussels vào hôm nay (9/4) cho một hội nghị thượng đỉnh thường niên đang bị thách thức bởi những khác biệt về thương mại và đầu tư.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (phải) vào hôm nay.
Sau nhiều năm cung cấp quyền tiếp cận miễn phí vào các thị trường của mình, EU cho biết họ đang mất kiên nhẫn với Bắc Kinh về tốc độ tự do hóa các cải cách. Khối này cũng có mối quan tâm ngày càng tăng đối với sự thống trị của các công ty Trung Quốc tại một số thị trường EU và việc sở hữu các ngành công nghiệp chiến lược.
Giống như Mỹ, nhiều nước EU đang muốn định hình lại các khoản trợ cấp công nghiệp và chuyển giao công nghệ bắt buộc của Bắc Kinh, mặc dù Brussels thể hiện mong muốn đối thoại hơn là hành động chiến tranh thương mại như Washington.
Ủy ban châu Âu (EC) được cho là đã đề ra kế hoạch hành động 10 điểm hồi tháng trước, trong đó xem xét phạm vi hợp tác lớn hơn trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, nhưng đòi hỏi phải có sự đối ứng rõ nét hơn từ phía Bắc Kinh, chẳng hạn như quyền tiếp cận của các công ty EU với các hạng mục đấu thầu công khai của Trung Quốc.
Reuters dẫn lời Phó Chủ tịch ủy ban châu Âu Jyrki Katainen tiết lộ, Bắc Kinh và Brussels đã vật lộn trong nhiều tuần qua cho một tuyên bố chung, được xem như là thành quả của Hội nghị thượng đỉnh hôm nay giữa Thủ tướng Trung Quốc và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Các nhà ngoại giao EU hôm 8/4 cho biết, các nhà đàm phán đã đạt được một số tiến bộ nhưng hiện vẫn chưa thể đi đến một văn bản nhất trí cuối cùng. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục cho đến khi Hội nghị chính thức bắt đầu lúc 13h chiều nay (giờ Brussels).
Đáng chú ý, Trung Quốc mới đây đã giới thiệu một luật đầu tư nước ngoài mới, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020, bao gồm các điều khoản cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc và đảm bảo quyền cho các DN nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều quan chức EU nhận định điều luật này còn thiếu chi tiết, từ đó đặt câu hỏi về tính hiệu quả thực thi của nó trong việc bảo vệ các công ty nước ngoài.