70 năm giải phóng Thủ đô

Thượng đỉnh Youth4Climate tại Italia: Các nước cần hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nhà hoạt động môi trường trẻ nói rằng chính phủ nhiều nước trên thế giới chưa có nhiều hành động để giải quyết tình trạng ấm lên trên toàn cầu trong gần 30 năm qua kể từ Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất tại Rio de Janiero năm 1992.

Phát biểu tại Youth4Climate - Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên trước sự biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, khai mạc  ở Milan, Italia hôm 28/9, các nhà hoạt động môi trường Vanessa Nakate và Greta Thunberg đã chỉ trích các nhà lãnh đạo toàn cầu không thực hiện đúng các cam kết về bảo vệ môi trường và tài trợ cho các quốc gia nghèo thích ứng với tình trạng Trái đất đang nóng lên.
 Nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh  Youth4Climate ở Italia hôm 28/9. Ảnh: AP
Khoảng 400 nhà hoạt động sinh thái trẻ từ gần 200 nước đã tham dự hội nghị thượng đỉnh  Youth4Climate, diễn ra từ ngày 28-30/9 tại Milan, Italia. Phát biểu tại phiên khai mạc, nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới chỉ cam kết bảo vệ hành tinh khỏi sự nóng lên toàn cầu, nhưng không có nhiều hành động để hiện thực những lời hứa đó.
Nhà hoạt động môi trường Thụy Điển cũng thẳng thắn lên án chính phủ các nước phát triển đã “làm ngơ” với tình trạng đáng báo động về môi trường. “Chẳng có “hành tinh B nào cả. Chuyện không phải là về ước mơ đắt giá nào mà về “nền kinh tế xanh”, chỉ số phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050”, cô Thunberg nói.
Các nhà hoạt động môi trường thanh niên bày tỏ mong muốn lãnh đạo thế giới thể hiện trách nhiệm rõ ràng hơn đối với cam kết giảm tác động từ biến đổi khí hậu và lắng nghe lời kêu gọi bảo vệ môi trường từ giới trẻ. “Lãnh đạo các nước đang giả vờ rằng họ đang lắng nghe chúng tôi. Nhưng trên thực tế, rõ ràng là họ đã không lắng nghe. Chỉ cần nhìn vào các con số, lượng khí thải CO2 vẫn đang tăng lên”.
Vanessa Nakate, nhà hoạt động môi trường 24 tuổi đến từ Uganda, nói rằng cam kết tài trợ khoảng 100 tỷ euro (117 tỷ USD) mỗi năm để giúp các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu đã không thành hiện thực. “Trên thực tế, các quỹ tài trợ này đã được cam kết từ năm 2020, và chúng tôi vẫn đang chờ đợi,” cô Nakate nói.
Cô Nakate cũng nhấn mạnh rằng những tác động từ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Phi. “Điều này thật mỉa mai khi châu Phi là nơi thải ra lượng khí CO2 thấp nhất so với bất kỳ châu lục nào, ngoại trừ Nam Cực” - nhà hoạt động môi trường Uganda chia sẻ.
Trong khi các cam kết tài trợ từ Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà hoạt động môi trường lạc quan hơn, nhiều nước G20, bao gồm cả những nước gây ô nhiễm lớn như Ấn Độ, vẫn chưa có báo cáo về kế hoạch hành động khí hậu trong ngắn hạn.
"Hiện là thời điểm quan trọng để lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới và các nước phát thải khí nhà kính lớn nhất đưa ra các cam kết táo bạo hơn", Alok Sharma - Chủ tịch COP26 của Anh, nói trong bài phát biểu trực tuyến hôm 28/9.
Các nhà hoạt động khí hậu kỳ vọng các nước cần hành động nhiều hơn và  dành thêm hàng tỷ USD để thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch hơn trong bối cảnh thế giới liên tục chứng kiến những đợt nắng nóng, lũ lụt và hỏa hoạn kỷ lục từ đầu năm đến nay.
"Nếu các quốc gia giàu không tái cơ cấu nợ cho các quốc gia nghèo và thực hiện cam kết tài trợ 500 tỷ USD cho hành động vì khí hậu giai đoạn năm 2020-2024, thì các cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sẽ không mang lại hiệu quả", Oscar Soria - mạng lưới hoạt động Avaaz có trụ sở tại Mỹ nhận định.
Sự kiện Youth4Climate là cơ hội hiếm có để các nhà hoạt động môi trường trẻ trên khắp thế giới đưa ra các ý tưởng và đề xuất cụ thể về một số vấn đề cấp bách nhất, đóng góp vào quá trình đàm phán của Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).
Hai đại diện của Việt Nam tham gia hội nghị Youth4Climate tại Italia là Hoàng Ngọc Xuân Mai, 19 tuổi - sinh viên Đại học Harvard (Mỹ) và Lý Phương Thanh, 21 tuổi - sinh viên Trường Đại học Kinh doanh Quốc tế (IU), Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Việc giới trẻ tham gia các sự kiện đóng góp cho COP26, tổ chức tại Italia và Vương quốc Anh từ nay đến giữa tháng 11, được kỳ vọng sẽ tạo sức ảnh hưởng lớn đối với chiến dịch vì khí hậu toàn cầu trong tương lai. Sự kiện Youth4Climate được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Milano (MiCO) - trung tâm hội nghị lớn nhất ở châu Âu” - Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị.

Đại sứ Alessandro cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải thúc đẩy sự tham gia của thế hệ trẻ trong quá trình đàm phán của COP26 vì những quyết định được đưa ra tại Glasgow sắp tới sẽ có tác động rất lớn đến cuộc sống của họ trong tương lai”.
Trao đổi với phóng viên trước khi lên đường tham dự hội nghị Youth4Climate, Mai và Thanh đã chia sẻ về những hoạt động về vấn đề khí hậu và những ý tưởng dự kiến sẽ đề xuất tại hội nghị ở Italia.
 Hai đại diện thanh niên Việt Nam tại Youth4Climate: Hoàng Ngọc Xuân Mai (bên trái) và Lý Phương Thanh. Ảnh: Phuong Thanh.
Mai nói rằng nhiều bạn trẻ Việt Nam lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực đối với môi trường toàn cầu, như việc sử dụng ống hút nhựa. Theo cô sinh viên trẻ, các chiến dịch truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của mọi người về biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, nhiều chương trình đã được triển khai với quy mô lớn, trong đó có chương trình về kiến ​​thức biến đổi khí hậu do UNDP Việt Nam khởi xướng, giúp thanh niên tiếp cận thông tin một cách  dễ dàng.
Trong khi đó, Thanh chia sẻ rằng vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực cô quan tâm từ lâu. Thanh nói rằng những kinh nghiệm có được trong những năm qua sẽ giúp cô nắm bắt những cơ hội lớn hơn và có điều kiện để giới thiệu những ý tưởng giải quyết vấn đề khí hậu tại các sự kiện môi trường lớn của thế giới. “Tôi sẽ mang theo những ý tưởng của mình về tiếp cận công bằng với giáo dục, công dân toàn cầu, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), cũng như các kế hoạch truyền thông nhằm nâng cao ý thức của  mọi người,” Thanh cho hay.
Trước đó, Xuân Mai đã có cơ hội trình bày báo cáo đặc biệt Tuổi trẻ Việt Nam hành động vì Khí hậu với Chủ tịch COP26 Alok Sharma trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 5. Trong khi đó, Phương Thanh, với vai trò trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên ASEAN - Hàn Quốc, đã trình bày và kêu gọi hành động chống ô nhiễm nguồn nước tại khu vực sông Mekong.
Hội nghị COP26 sắp tới tại Glasgow được kỳ vọng sẽ thành công khi vừa  nhận được thông tin tích cực từ hai cường quốc kinh tế thế giới và là hai nước gây ô nhiễm carbon lớn nhất. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ không tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ tài chính cho các quốc gia nghèo thực hiện mục tiêu “tăng trưởng xanh”./.