Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thưởng hoa hay sống ảo?

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 12 mùa hoa của Hà Nội đều mang vẻ đẹp riêng, độc đáo, níu chân người. Trong thời đại mạng xã hội phát triển, nhiều làng hoa tìm ra hướng đi mới, mở dịch vụ kinh doanh chụp ảnh. Tuy nhiên, cách thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên này cũng khiến nhiều người xót xa.

 Các bạn trẻ bên vườn hoa cúc họa mi tại Thảo nguyên hoa Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Tháng 11, Hà Nội đong đầy hình ảnh của những xe chở đầy cúc họa mi rong ruổi trên khắp các con phố. Loài hoa mỏng manh, trắng tinh khôi bất chấp cái lạnh đầu Đông bung mình khoe sắc. Chẳng biết từ bao giờ, cúc họa mi hé nở là thời điểm đánh dấu Hà Nội trở mình sang Đông. Cúc họa mi không chỉ rong ruổi trên khắp những ngõ phố mà còn tràn ngập trên mạng xã hội. Mọi người đua nhau khoe ảnh chụp cúc họa mi ở nhà, ở cơ quan hay bất cứ nơi nào họ đi đến. Cũng từ trào lưu “sống ảo” ấy, hàng triệu người đua nhau săn lùng để chụp ảnh cùng hoa theo mùa. Trào lưu này giúp nhiều người trồng hoa ở Hà Nội như Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Tựu… có thêm nguồn thu nhập nhưng cũng không khỏi xót xa.

Những ngày qua, vào dịp cuối tuần, người người ùn ùn đến vườn cúc họa mi ở vườn hoa Nhật Tân chụp ảnh. Để được “sống ảo”, mỗi người phải trả 50.000 đồng/lần phí vào vườn hoa. Ở vườn cũng có sẵn thợ ảnh để sẵn sàng phục vụ các “thượng đế”, mức giá cho mỗi buổi dao động từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng/người/nhóm. Mặc dù, mức giá khá cao nhưng vẫn không ngăn cản được sự háo hức của nhiều người. Vào ngày cao điểm, chủ vườn hoa Nhật Tân bán được hơn 1.000 vé.

Tương tự như mô hình kinh doanh trên, nhiều chủ vườn ở An Lạc (Trâu Quỳ, Gia Lâm) thu lãi lớn nhờ cho thuê vườn cải chụp ảnh. Các vườn hoa ở đây hầu hết đều trồng lúa, hết mùa gặt, chủ vườn bắt đầu gieo hạt cải trồng xen canh. Ban đầu, các vườn hoa này chỉ trồng để lấy hạt. Một hai năm trở lại đây, nhờ trào lưu chụp ảnh hoa Tết của giới trẻ, lượng khách tìm đến vườn cải ở Gia Lâm ngày một đông. Vào dịp cuối tuần, số khách của mỗi vườn có thể lên đến hàng trăm người. Vé vào cửa từ 15.000 - 20.000 đồng/lượt. Ngày đông khách, có ngày chủ vườn thu từ 1 - 2 triệu đồng tiền vé. Ngoài ra, thung lũng hoa Hồ Tây cũng là một trong những vườn hoa đẹp và hút khách nhất Hà Nội. Lúc đầu, thung lũng hoa này chỉ là một vườn hoa rộng lớn nhưng đã được một đơn vị thuê thầu cải tạo với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Vào dịp Tết, thung lũng hoa đón hàng trăm lượt khách, mức thu 80.000 đồng/vé.

Dịch vụ trên phần nào đem lại những hình ảnh đẹp của người dân Thủ đô trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cứ đến cuối tuần, mọi con đường dẫn vào làng hoa lại ùn ùn phương tiện di chuyển. Đứng giữa làng hoa, người ta khó cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên. Thay vào đó là đủ thứ hỗn tạp của tiếng ồn, khói bụi, tất cả như bóp nghẹt không gian vốn yên bình, thơ mộng. Nhiều khách đến thưởng ngoạn cũng lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến hình ảnh các “diễn viên” bất chấp các quy định để tạo dáng, vô ý giẫm đạp vào các cành hoa, vứt rác bừa bãi.

Thực tế trên khiến cộng đồng mạng dấy lên những cuộc tranh cãi, có người cảm phục vì thói quen "sống ảo", có người nhận xét “nhìn hình ảnh làng hoa thất thủ mà sợ”. Những người trung lập thường đưa ra so sánh: “Mùa hoa Lavender ở Anh, mùa hoa Anh đào ở Nhật người dân cũng đến chụp ảnh, chỉ khác là họ không bao giờ làm tổn thương hoa”. Người Hà Nội yêu hoa, nhưng cách yêu hoa của một số "thượng đế" quen sống ảo ở các vườn hoa cũng thật đáng suy ngẫm.