Theo sách trắng năm 2022 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ TMĐT của Việt Nam dự báo tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Ước tính có khoảng 57 - 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD.
Dịch Covid-19 làm bùng nổ mua sắm trực tuyến
Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành, thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. TMĐT trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Trong báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục 120 - 200 tỷ USD vào năm 2030.
Giám đốc Bộ phận Vận chuyển Lazada Logistics Việt Nam Ngô Thị Trúc Anh chia sẻ, giai đoạn 2020 - 2021 dịch Covid-19 tác động đến toàn nền kinh tế song TMĐT đã có sự tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng của mua sắm trực tuyến trong khu vực đạt 50%, song giai đoạn 2021 - 2022 mức tăng trưởng này giảm xuống còn 16%. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17%.
Báo cáo thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022 cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên TMĐT; 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn TMĐT; 50% các đơn hàng trên TMĐT ở Việt Nam được mua mà không có dự tính. “Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, và các sàn TMĐT đã định hình những thói quen này. Các sàn TMĐT vẫn tiếp tục là nền tảng giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả” - bà Ngô Thị Trúc Anh thông tin.
Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi, thích nghi
Mặc dù có những bước tiến lớn, song việc phát triển bền vững của doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như thiếu công cụ quản lý và vận hành, chi phí nhân sự chuyên trách trong từng khâu vận hành vẫn thiếu, rào cản chi phí và thời gian nhận. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, chi phí hạn chế. Việc vận chuyển cũng gặp khó do khoảng cách địa lý khá xa khiến thời gian giao nhận kéo dài.
Trước khó khăn này, các doanh nghiệp nên có các bước chuyển đổi khi đưa ra những chiến lược kinh doanh dài hạn. Điều này giúp doanh nghiệp “giữ sức đường dài” để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, đặc biệt là những nhóm doanh nghiệp kinh doanh đa kênh, đa nền tảng.
Theo đó, để chuyển đổi số bền vững, các doanh nghiệp cần những giải pháp từ công nghệ, giải pháp từ con người và giải pháp từ cơ sở hạ tầng, logistics. Điển hình như với giải pháp từ công nghệ, Lazada đã xây dựng các trung tâm quản lý và vận hành tích hợp cho nhà bán hàng, thực hiện livestream bán hàng ngay trên nền tảng giúp nhà bán hàng gia tăng doanh thu; hệ thống phân tích nâng cao giúp nhà bán hàng theo dõi tình trạng đơn hàng.
Về cơ sở hạ tầng, đơn vị đã chủ động gỡ bỏ rào cản chi phí và địa lý trong giao nhận bằng cách xây dựng mạng lưới logistics với 4 trung tâm lựa chọn tự động, và 120 trung tâm phân loại vệ tinh giúp hàng hóa được đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Để làm được điều này, công ty đã đầu tư công nghệ trí tuệ nhân tạo vào vận hành. Đồng thời triển khai sáng kiến logistics xanh để bảo vệ môi trường như giao hàng bằng xe đạp điện, xe máy điện.
“Nhờ sự phát triển bền vững, nhiều thương hiệu đã đạt được thành công. Điển hình như FoodMap, từ khi lên sàn TMĐT, nhà bán hàng này luôn duy trì tăng trưởng 1,5 lần mỗi tháng. Hay như Cocoon, lên sàn TMĐT từ tháng 5/2020 tăng trưởng mỗi năm đạt hơn 3 lần” - bà Ngô Thị Trúc Anh dẫn chứng.
Giám đốc Grap Việt Nam Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, App Grab là siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á, cung cấp các nhu cầu thiết yếu hằng ngày như: Giao nhận, di chuyển, các dịch vụ tài chính. Ban đầu Grab chỉ là một ứng dụng phục vụ di chuyển. Tuy nhiên với sự phát triển của TMĐT, thời gian qua Grab đã tăng cường hợp tác để hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Bên cạnh các ứng dụng quen thuộc như di chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, từ năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát Grab còn hợp tác với các đơn vị triển khai dịch vụ đi chợ hộ. Các đơn hàng thanh toán tiện lợi, người dùng có thể nhận hàng nhanh chóng. Ngoài ra, công ty cũng cho ra đời Grab Mart để hỗ trợ nông dân Việt Nam trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Đến nay Grab đã ký hợp tác 4 bên với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Liên minh HTX tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngoài ra, Grab cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện trang bị kiến thức kỹ năng TMĐT cho nông dân, giúp nông dân tiếp cận người dùng, tiếp thị, hỗ trợ giảm khâu trung gian giúp người dùng tiếp cận sản phẩm chất lượng cao.
Sự phát triển của TMĐT đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam. Dựa trên mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, một thị trường TMĐT an toàn, lành mạnh là điều hoàn toàn có thể thực hiện khi có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương và những doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường trực tuyến.
Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có mục tiêu đưa ngành này trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch này gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia CMCN4.0, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.