Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử - lựa chọn thời công nghệ số

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình thức mua bán trực tuyến đang gia tăng mạnh mẽ cộng với số người dùng các thiết bị di động ngày càng nhiều đã tác động đến sự phát triển của ngành Thương mại điện tử (TMĐT).

Điều này đồng nghĩa: năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành Thương mại điện tử đang cần nhiều nhân lực.

Tăng số lượng sinh viên

Thực tiễn phát triển của ngành TMĐT thời gian qua đã khẳng định vai trò và vị thế tiên phong trong nền kinh tế số.

Tại tọa đàm “Phát triển TMĐT - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/8/2024, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT PGS.TS. Trần Minh Tuấn, cho biết: theo định hướng đến năm 2025, kinh tế số ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước.

Đặc biêt, TMĐT đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số ngành lĩnh vực... Việt Nam đặt ra mục tiêu là doanh thu TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này khi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực TMĐT, nhiều trường đại học trong cả nước đã tuyển sinh và đào tạo ngành TMĐT. Bên cạnh đó là các trường cao đẳng cũng đào tạo ngành này để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường như: Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, Cao đẳng FPT Polytechnic, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, Cao đẳng Bách khoa...

Thầy Nguyễn Trung Kiên - Trưởng ngành TMĐT Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã chia sẻ về tuyển sinh ngành TMĐT tại nhà trường trong những năm gần đây: nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo ngành TMĐT được 4 năm với số lượng sinh viên tăng dần. Cụ thể, năm 2021 nhà trường tuyển sinh được 1 lớp khoảng 60 sinh viên/khóa, đến năm 2022 tăng lên thành 2 lớp với 120 sinh viên/khóa, năm 2023 và 2024 tăng lên thành 4 lớp với 240 sinh viên/khóa.

Sinh viên ngành Thương mại điện tử Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội học thực hành môn Thiết kế Bộ nhận diện thương hiệu. Ảnh: Phương Nam
Sinh viên ngành Thương mại điện tử Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội học thực hành môn Thiết kế Bộ nhận diện thương hiệu. Ảnh: Phương Nam

Khi sinh viên theo học ngành TMĐT Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội sẽ được trang bị những kiến thức về kinh tế mạng máy tính; quản trị DN; thương mại điện tử; tổ chức kinh doanh trên internet; an ninh mạng; bảo mật và bảo toàn thông tin. Ngoài ra, sinh viên còn được cung cấp kiến thức và kỹ năng bổ trợ về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, làm việc nhóm...

Sinh viên TMĐT được đào tạo 3 nhóm môn chính: nhóm những môn cơ bản gồm có Kinh tế vĩ mô, Marketing căn bản...; nhóm những môn chuyên ngành: Email, Marketing, Truyền thông mạng xã hội, Thiết kế website, Sàn TMĐT và các hoạt động liên quan đến livestream; nhóm môn thứ ba là những kỹ năng mềm liên quan đến phát triển bản thân và các thiết kế...

Nhiều cơ hội việc làm

Nhiều trường cao đẳng thiết kế chương trình ngành TMĐT có các môn thực hành chiếm tỷ lệ cao với khoảng 70% và 30% còn lại là lý thuyết. Không chỉ vậy, tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, bất kỳ môn học nào, giảng viên sẽ hướng dẫn sinh viên thực hiện dự án TMĐT trên nền tảng được học. Sinh viên được thực hành tại trường, ở trong phòng máy tính, phòng studio và các thiết bị livestream.

Do sinh viên ngành TMĐT đã được tích lũy kiến thức và thực hành ngay trên ghế nhà trường nên khi đến DN thực tập 3 tháng, các em sẽ được bố trí làm việc tại vị trí nhân viên thực thụ tại các vị trí như: sale, quản trị mạng xã hội, quản trị các sàn thương mại điện tử... Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia vào các hoạt động của DN như chạy quảng cáo, livestream bán hàng, Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số).

“Nhiều bạn sinh viên mới học hết năm thứ nhất, bắt đầu bước vào các môn chuyên môn đã có thể ra ngoài làm việc. Đặc biệt, những sinh viên năm cuối đang đi thực tập tại DN được hỗ trợ tiền lương” - thầy Nguyễn Trung Kiên cho hay. Đồng thời ông cho biết, để sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm ngay, nhà trường đã thiết kế đầu ra gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Khi thị trường đang cần đào tạo nhân lực thương mại điện tử thì nhà trường đào tạo về 3 nhóm kênh: liên quan đến website, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Không chỉ vậy, với mỗi môn học, nhà trường đều có chuẩn đầu ra phục vụ cho một phần việc của sinh viên sau này đi làm.

Sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có nhiều cơ hội việc làm tại những DN có hoạt động liên quan tới TMĐT (làm về Digital Marketing) hoặc những công ty cần quảng bá sản phẩm và hình ảnh. Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có thể làm việc tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thiết kế, duy trì và phát triển website, mạng xã hội của trường.

Thầy Đỗ Nguyễn Minh Khôi - giảng viên bộ môn Kinh tế Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, với phương châm đào tạo “Thực học - Thực nghiệp”, nhà trường không ngừng cập nhật và tích ứng xu hướng Digital Marketing mới nhất, bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Theo thầy Đỗ Nguyễn Minh Khôi, xu hướng việc làm ngành TMĐT hiện nay rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí như: Content Marketing (sử dụng một nội dung làm phương tiện tiếp thị sản phẩm dịch vụ). Bởi trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng thì Content Marketing trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược tiếp thị.

Sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có thể làm Social Media Marketing (tiếp thị mạng xã hội) hoặc SEO (Search Engine Optimization) là quá trình tối ưu hóa website đạt các tiêu chí và thuật toán xếp hạng của những công cụ tìm kiếm.

Những người học ngành TMĐT cũng có cơ hội làm E-commerce và Mobile Marketing (thương mại trực tuyến và hoạt động thúc đẩy nhận thức và hành động khi DN bán sản phẩm hoặc dịch vụ trên môi trường online).

Sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có thể tự kinh doanh online để tạo việc làm cho mình và mọi người. Bởi ngay trong quá trình học và làm dự án tốt nghiệp, sinh viên có thể tạo cho mình một kênh thương hiệu riêng, đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc DN.

Sau đó, sinh viên xây dựng thương hiệu trên nền tảng TMĐT và triển khai các kênh cho thương hiệu đó. Với kênh thương hiệu này, sinh viên tốt nghiệp có thể nhập hàng về bán để khởi nghiệp và đã có nhiều bạn đã thu được lợi nhuận, thành công từ dự án tốt nghiệp này.

 

Sinh viên học ngành TMĐT phải có sự đam mê trong kinh doanh, yêu thích công nghệ, tư duy sáng tạo, nắm bắt xu hướng mới. Bên cạnh đó, người học ngành TMĐT có khả năng giao tiếp, đàm phán; xử lý tình huống. Cùng với đó là kỹ năng bao quát chung, kỹ năng quản lý thời gian, nhân sự và sự nhạy bén...

Trưởng ngành Thương mại điện tử Trường Cao đẳng Thương mại
và Du lịch Hà Nội Nguyễn Trung Kiên