|
Bà Bùi Thị Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xem tranh tại triển lãm |
Triển lãm do Trung tâm Văn hóa Pháp và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức.
Triển lãm như một món quà dành cho những ai đã từng đi qua quãng thời gian bao cấp, và cả những người đã từng nghe kể hay muốn tìm hiểu về quãng thời gian chứa nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”.
Mỗi bức vẽ là một sự “hình ảnh hóa” những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, câu ca vần vè cho tới những biển hiệu bán hàng, các khúc đồng dao… từng quen thuộc trong thời bao cấp.
“Thương nhớ thời bao cấp” đã đưa người xem trở lại thời kỳ “có một không hai” trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20, một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống với đặc trưng không thể trộn lẫn.
Thế nhưng, hiển hiện trong những sáng tác dân gian ấy là một xã hội vẫn còn vô cùng khó khăn với những nỗi lo lắng nhọc nhằn về những thứ nhu yếu phẩm không thể căn bản hơn nữa của cuộc sống thường nhật như: Khăn mặt, túi cá khô, quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng… ta vẫn thấy vượt hẳn lên trên là cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi còn vui tươi đến kỳ lạ.
“Thương nhớ thời bao cấp” của Thành Phong và Hữu Khoa với những bức vẽ dí dỏm, hài hước và không kém phần chân thực đã đưa tác phẩm này vượt lên tầm một cuốn “artbook” và trở thành chất liệu đặc sắc cho một triển lãm dành cho những độc giả, mà thời bao cấp chỉ là một kỷ niệm xa xôi, mơ hồ.
Đến xem những bức tranh tại triển lãm, bà Bùi Thị Linh (SN 1931, tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tại triển lãm, xem tranh và đọc những câu tục ngữ, thành ngữ tôi vẫn nhớ. Thời bao cấp, ngoài làm việc tại cơ quan nhà nước, tôi vẫn phải làm thêm như chăn nuôi gà, đan len cho mậu dịch. Xem triển lãm này gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Qua đó, tôi thấy rằng, xã hội bây giờ dù khó khăn nhưng so với thời đó không đáng kể là bao nhiêu”.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội: “Cuốn sách một lần nữa cho tôi sống lại, đến mức nôn nao cái thời thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này thật khó phân định hay phán quyết rằng nó dở tệ, nó tai hại hay nó cho tôi được một quãng êm đềm, thanh thản. Cái gì qua thì đã qua, và thời gian luôn làm cho người ta bao dung hơn. Tôi nghĩ, dù sao thì những tình thế như thời bao cấp đã làm phát lộ phẩm chất hóm hỉnh, láu cá của dân ta. Thời bao cấp, trong ký ức riêng tôi, đại đa số mọi người còn sạch về phẩm giá. Thương nhớ nó để thấy rằng về căn bản mọi sự bây giờ đã rất khác”.