Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương nhớ tiếng leng keng

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hơn 1 thế kỷ kể từ độ tàu điện leng keng trên phố rắc nỗi nhớ vào lòng người Hà thành đến nay, người Hà Nội mới có lại được cảm giác đi tàu điện.

Sau mấy chục năm vắng bóng, tháng 11/2021, người Hà Nội lại hân hoan đón tàu điện vào phố với tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Đây cũng là dấu mốc đổi thay của Hà Nội trong hành trình phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại.

Từ độ leng keng tàu điện sớm khuya…

Nhẩm tính, kể từ khi hệ thống tàu điện do người Pháp xây dựng bắt đầu đổ những hồi leng keng đầy nhớ thương trên đường phố Hà Nội (năm 1901) đến giờ đã 123 năm.

Người ở đất Kinh kỳ khi đó cứ truyền tai nhau một bài thơ khuyết danh mà mang nhiều nỗi niềm đến lạ: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài/ Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh/ Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường…”.

Khởi đầu là cung đường khoảng 10 cây số theo 3 tuyến, cho đến những năm 1920 thì hệ thống đường ray “lan ra” cung đường chừng 50 cây số theo 5 tuyến hướng tâm về khu vực phía Bắc Hồ Gươm. Chuyến tàu chuyên chở những tiếng leng keng chậm rãi, trong trẻo ấy đã kết nối trung tâm nội đô với các vùng ngoại ô: Bưởi, Cầu Giấy, Yên Phụ, Hà Đông, Chợ Mơ, Vọng… Thời hoàng kim của tàu điện có thể nói vào những năm 1970 - 1980, lúc đó Xí nghiệp Xe điện Hà Nội có đến 20 tàu và 32 toa xe, chạy trên các tuyến: Bưởi - Bạch Mai, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Yên Phụ, Yên Phụ - Kim Liên, Yên Phụ - Cầu Giấy...

Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.Ảnh: Phạm Hùng
Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.Ảnh: Phạm Hùng

Chợt nhớ trong câu chuyện thời là sinh viên Đại học Tổng hợp, ông nội tôi cũng có lần kể về tàu điện như một ký ức lung linh, không thể phai mờ: “Bến tàu điện Hà Đông cách bến Bờ Hồ 11 cây số. Người đi tàu điện đông nhất vào sáng sớm, khi các bà, các chị đi chợ với lỉnh kỉnh quang gánh, thúng mẹt và học sinh, sinh viên đi học. Quang gánh có thể treo ở phía ngoài toa cuối, trông rất… Kẻ Chợ. Chuẩn bị khởi hành, anh soát vé kéo sợi dây thừng hạ cần tiếp điện, xoay ngược 180 độ để đổi chiều tàu chạy. Bác lái tàu giật chuông mấy tiếng leng keng báo hiệu tàu sắp rời bến. Đoàn tàu thường có 3 toa nghiến ken két những bánh sắt trên đường ray...”.

Ký ức ngọt ngào mang tên tàu điện của ông nội còn ghi dấu những toa tàu sơn nửa đỏ, nửa xanh và những hàng ghế đặt ngang bên trong. Ông tôi bảo: “Tàu điện là phương tiện vận tải hành khách công cộng đơn giản nhưng thuận tiện, đặc biệt là rẻ tiền, phục vụ người nghèo đi từ ngoại ô vào TP là chính. Giá vé cho suốt một tuyến thường chỉ 5 xu, tương đương với giá một quả chuối hay một phần mười bát phở bình dân…”.

Quả thực, tàu điện không chỉ là phương tiện giao thông công cộng hiện đại nhất một thời Hà thành, mà còn là nét chấm phá tuyệt vời trong bức tranh Hà Nội 36 phố phường trầm mặc, cổ kính. Ở đó chuyên chở cả nét văn hóa đặc trưng của người Hà thành thanh lịch dù hết sức bình dị, chân phương. Chân phương như việc nhường ghế cho người già, phụ nữ - chính là “văn hóa tàu điện” còn được duy trì trong đời sống hiện đại hôm nay trên những chuyến xe buýt công cộng chạy khắp TP và những chuyến tàu điện cao tốc băng băng trên cao.

“Tiếng leng keng tàu điện sớm khuya” bặt thanh âm từ năm 1990 khi Hà Nội hối hả trong công cuộc đô thị hóa, tái thiết đô thị hiện đại. Thương nhớ khôn nguôi còn mãi trong lòng người Hà thành cho đến tận hôm nay với hình ảnh “tàu điện Bờ Hồ” còn trong tiềm thức, trên tranh tường ở phố bích họa Phùng Hưng và âm thanh leng keng dội về từ ký ức. Ai cũng hiểu đó là di sản ghi dấu ấn văn hóa, lịch sử một thời của Hà Nội văn hiến.

Đến hệ thống đường sắt đô thị hôm nay

5 năm sau ngày những thanh ray tàu điện được bật lên khỏi mặt đường Hà Nội, ý tưởng về đường sắt đô thị lại hiện hữu trở lại trong suy tư của những người làm quy hoạch. Ông bạn tôi - dân kiến trúc xịn nói bằng hồi tưởng: điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 được phê duyệt năm 1998 đã đặt ra 5 tuyến đường sắt đô thị, trong đó thống nhất đặc trưng của đường sắt đô thị Hà Nội là kết hợp cả đoạn đi ngầm và đoạn đi trên cao.

Ý tưởng về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông xuất hiện từ năm 2003 khi Hà Đông vẫn còn là trung tâm của tỉnh Hà Tây (cũ), là TP gần Hà Nội nhất, mà hướng đi Hà Đông lại khó mở rộng do vướng các công trình dọc hai bên đường Nguyễn Trãi. Nó được kỳ vọng là cầu nối liên kết vùng để giải quyết áp lực giao thông và áp lực dân số đang ngấp nghé ở hai TP này. Năm 2008, dự án được ký kết, rồi tháng 11/2011, dự án chính thức được khởi công. Và cũng chính thời điểm này, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội được nâng lên thành 8 tuyến và 10 nhánh…

Sau mấy chục năm vắng bóng, ngày 6/11/2021, người Hà Nội lại hân hoan niềm vui như con trẻ khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành sau bao ngày thai nghén: “Tàu điện trên cao đã viết tiếp trang sử cho việc vận chuyển hành khách trên đường ray tại Thủ đô bằng phương thức hiện đại và sang trọng hơn”.

Bởi ngoài sứ mệnh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mạng lưới đường sắt đô thị còn được kỳ vọng sẽ là mạch nối những trục không gian văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng tầm vị thế đô thị trung tâm của Việt Nam và khu vực. Các nhà ga đường sắt đô thị được thiết kế hiện đại cũng hứa hẹn sẽ là những không gian sáng tạo mang đậm sắc màu văn hóa Hà thành, trở thành điểm nhấn của Thủ đô thời hội nhập và phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng khẳng định, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn. Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 400km đường sắt đô thị…

Song với nỗ lực hoàn thành 3 việc lớn trong năm 2024 mà Hà Nội đang dốc lòng thực hiện (Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chắc chắn diện mạo của Hà Nội sẽ đổi thay.

Bởi ba việc lớn ấy đều hướng Hà Nội phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, ưu tiên cho đường sắt đô thị. Mặc dù thời gian chỉ còn khoảng 12 năm nữa để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng về một hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tương đối hiện đại, nhưng chúng ta có quyền hy vọng, bởi sau Cát Linh - Hà Đông là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội cũng đã nên vóc nên hình. Và đó cũng là bước tạo đà để đến kỷ niệm 100 năm Ngày lập nước (năm 2045), có thể ngay tại mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, sẽ hiện hữu dáng dấp hình ảnh của những ga Avtovo ở Saint Petersburg (Nga), ga San Giovanni ở Rome (Italy) hay ga Alexanderplatz ở Berlin (Đức)…

Khi đó, người Hà Nội có quyền tự hào về những bảo tàng di sản dưới lòng đất, trưng bày hình ảnh, hiện vật theo từng tầng lớp lịch sử phát triển của đô thị, đồng thời minh chứng sinh động cho quyết tâm, khí chất của một Thủ đô anh hùng trong dựng xây cơ đồ cho con cháu mai sau.