Nhiều nông sản, hàng hóa của các chủ thể được UBND TP Hà Nội chứng nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên, đã và đang xây dựng được thương hiệu, khẳng định uy tín trên thị trường tiêu thụ.
103 sản phẩm được chứng nhận OCOP
Trên diện tích canh tác 22ha, những năm qua, Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi (huyện Thường Tín) tập trung gieo trồng các loại rau theo hướng an toàn và tiêu chuẩn VietGAP. Với sự quan tâm của TP Hà Nội và huyện Thường Tín, xã Hà Hồi đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, hệ thống cấp nước sạch và hoàn thiện giao thông nội đồng phục vụ cho việc sản xuất.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi Từ Đức Toàn cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 15 - 20 tấn rau các loại và mộc nhĩ, nấm sò; các sản phẩm đều đã được chứng nhận đạt từ 3 - 4 sao OCOP.
Cùng với thương hiệu được chứng nhận, hợp tác xã mở rộng bắt tay với hệ thống phân phối, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội. Nhờ đó đến nay, các sản phẩm rau, mộc nhĩ, nấm sò của hợp tác xã tiêu thụ khá thuận lợi.
Tại huyện Thường Tín, những mô hình như của Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi đang ngày một phổ biến. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với các chuỗi liên kết được địa phương đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao giá trị cho nông sản.
Đến nay, địa phương đã phát triển được 103 sản phẩm OCOP. Để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, bên cạnh hỗ trợ chủ thể tiếp cận chuỗi liên kết tiêu thụ, huyện Thường Tín cũng đang xây dựng và mở rộng các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để người dân có thể mua sắm, sử dụng các loại nông sản, thực phẩm an toàn.
Chuẩn hóa sản phẩm
Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, khi tham gia Chương trình OCOP, nông sản, thực phẩm và các loại đồ uống sẽ được Hội đồng thẩm định của TP xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Chỉ khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn cũng như kiểm nghiệm chặt chẽ về chất lượng mới được cấp sao.
“Với một quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng thì các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP sẽ là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng cũng như độ an toàn thực phẩm. Điều này cũng đặt ra đòi hỏi cho các chủ thể cần duy trì chất lượng ổn định và thường xuyên đổi mới bộ nhận diện” - ông Nguyễn Văn Chí cho biết.
Tính đến nay, huyện Thường Tín đã xây dựng được 14 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ và phát triển được 8 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Hầu hết các mô hình kinh tế này đều mang lại sản phẩm có chất lượng cao, được Hội đồng thẩm định TP đánh giá cao khi xem xét, cấp chứng nhận OCOP.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, trong năm 2022, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ thể xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản, thực phẩm chủ lực.
Song song với định hướng trên, huyện Thường Tín cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sử dụng. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho chủ thể sản xuất, kinh doanh, DN chế biến, cũng như an toàn sức khỏe cho người dân Thủ đô.