Thường trực nỗi lo tai nạn thương tích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ một phút bất cẩn, chủ quan có thể sẽ phải trả giá bằng nỗi đau tưởng chừng không...

Kinhtedothi - Chỉ một phút bất cẩn, chủ quan có thể sẽ phải trả giá bằng nỗi đau tưởng chừng không thể vượt qua. Nỗi đau về tai nạn thương tích (TNTT) ở Việt Nam quá lớn, mỗi năm có đến 900.000 trường hợp mắc TNTT, trong đó có trên 34.000 người tử vong, chiếm 11 - 12% tổng số tử vong toàn quốc.

 

Gánh nặng khổng lồ

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), tỷ suất tử vong trung bình TNTT trong những năm qua là 45,4/100.000 người; đứng đầu là tử vong do tai nạn giao thông với trung bình trên 15.000 người tử vong/năm, tiếp sau là đuối nước, trung bình 6.000 người tử vong/năm, trong đó trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi chiếm trên 50%.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, các nguyên nhân gây TNTT khác như tai nạn lao động, tự tử, bỏng, ngộ độc, ngã, bạo lực… vẫn phố biến trong cộng đồngĐiều đáng lo khác, có hàng trăm ngàn trường hợp bị TNTT không dẫn đến tử vong mỗi năm đang cần được điều trị và có thể phải chăm sóc lâu dài. Đây chính là gánh nặng khổng lồ mà hệ thống y tế cũng như các gia đình, cộng đồng và xã hội đang phải gánh chịu. Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế ước tính, có khoảng 6% nạn nhân bị tàn tật vĩnh viễn do các loại TNTT và 29% để lại di chứng. Với trẻ em, trung bình một trẻ tử vong thì có 12 trẻ nằm viện hoặc thương tật vĩnh viễn và 34 trẻ cần chăm sóc y tế hoặc không thể đi học do TNTT.

 

Quá nhiều thách thức

 

Thời gian qua, ngành y tế đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để hạn chế sự gia tăng của tai nạn thương tích tại cộng đồng và đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ năm 2011 - 2013, ngành đã truyền thông, giáo dục về phòng chống TNTT, chăm sóc chấn thương, sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích TNTT trẻ em, phòng chống đuối nước… ở hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định, công tác phòng chống TNTT ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tai nạn giao thông, đuối nước, tự tử, tai nạn lao động còn cao, chưa có cơ quan điều phối công tác phòng chống TNTT nên hoạt động chỉ đạo và phối hợp giữa các bộ, ngành còn yếu… Thêm vào đó, nhận thức của người dân về phòng chống TNTT dù có chuyển biến nhưng vẫn chưa cao vẫn đang là một mối thách thức lớn.

 

Vì vậy, giai đoạn 2014 - 2015, ngành y tế sẽ tập trung giải quyết một số các vấn đề như kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống TNTT, triển khai các mô hình cộng đồng an toàn tập trung vào các loại hình TNTT có nguy cơ tử vong cao như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước, TNTT trẻ em. Ngoài ra, ngành tiếp tục tăng cường năng lực giám sát, truyền thông về phòng chống TNTT tại cộng đồng…