Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng cường quản lý chặt chẽ thị trường vàng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 13/5, tại Phiên họp thứ 33, thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra vấn đề liên quan đến thị trường vàng, vé máy bay thời gian qua còn nhiều bất cập, tăng quá cao, đặt ra những yêu cầu về quản lý nhà nước.

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Trong đó, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ đánh giá việc quản lý thị trường vàng còn bất cập. Chính phủ cũng nêu rõ việc hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.

Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, giá vé máy bay thời gian qua tăng cao khiến cho ngành du lịch gặp khó khăn. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, việc giá vé máy bay tăng cao khiến cho người dân có xu hướng du lịch gần; các điểm du lịch xa, phải di chuyển bằng máy bay chưa đạt lượng khách như kỳ vọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt ra các vấn đề cần đề cập trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trong đó, thời gian qua giá vé máy bay tăng cao nhưng chưa kịch trần. “Vậy còn tăng nữa không và ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, đặc biệt là du lịch?”-  Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: giá vàng “nhảy múa” vừa rồi thì công tác quản lý như thế nào?. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: giá vàng “nhảy múa” vừa rồi thì công tác quản lý như thế nào?. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: giá vàng “nhảy múa” vừa rồi thì công tác quản lý như thế nào? Không lẽ cứ để “nhảy múa” thế? “Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường “nhảy múa” kiểu ấy được? Chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như thế. Đề nghị làm rõ công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng giá vàng cao như hiện nay, chênh lệch với giá vàng thế giới quá nhiều. “Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo Ngân hàng để quản lý thị trường vàng nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay thì giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu vài phiên nhưng giá vàng vẫn tăng đến mức tột đỉnh. Chúng tôi đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng, cần có bàn tay của Nhà nước để can thiệp vào thị trường”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó cùng với đặt vấn đề tại sao thị trường vàng lại “nhảy múa” và có thời điểm đạt kỷ lục cao đến 92 triệu đồng/lượng vàng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ ra, những tháng đầu năm 2024, người dân đầu tư kinh doanh thấp nhưng đầu tư vào vàng lại cao, cần có phân tích, đánh giá kỹ hơn và có giải pháp cho vấn đề này.

“Cần đánh giá kỹ và có giải pháp khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, tăng trưởng tín dụng tăng thấp trong khi lãi suất giảm, có phải môi trường đầu tư kinh doanh đang có vấn đề. Nguồn vốn đầu tư từ tư nhân còn rất thấp mà đầu tư vào vàng cao; người dân không yên tâm vào đầu tư sản xuất. Do đó cần phải phân tích kỹ hơn”-bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, vàng là hàng hóa đặc biệt, liên thông với thị trường ngoại tệ, liên quan rất lớn tới điều hành kinh tế vĩ mô. Hiện nay chủ yếu là vàng nguyên liệu, vàng miếng và vàng trang sức mỹ nghệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Lưu ý kinh doanh phải đảm bảo điều kiện rất chặt chẽ, Phó Thủ tướng cho biết vừa qua tình hình có biến động, thậm chí biến động lớn, giá tăng cao hơn so với giá thế giới, chênh lệch giá mua - giá bán có thời điểm cao nhất lên tới 18-19 triệu, thậm chí 20 triệu đồng. Điều đó đòi hỏi phải quản lý. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp rất nhiều lần, gần đây đã họp với Ngân hàng Nhà nước, có thông báo đầy đủ các giải pháp, mấy ngày gần đây có xoay chuyển nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi vì rất phức tạp. Phó Thủ tướng cho rằng nếu không kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ thì rất là khó.

“Tìm đúng bệnh mới bốc thuốc được. Ngày mai tôi họp với Ngân hàng Nhà nước làm rõ, có hành vi không phù hợp phải xử lý. Sau khi đánh giá thì giao thanh tra chuyên ngành phải thanh tra, phát hiện hành vi vi phạm, kể cả biên giới, cửa khẩu vào cũng phải kiêm soát. Nếu vi phạm thì chuyển Bộ Công an xử lý ngay. Tôi nghĩ thời gian tới các bộ, ngành tích cực vào cuộc thì chắc không khó khăn gì chúng ta không xử lý được” – Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nói.

Trao đổi thêm về nguyên nhân của giá vàng tăng cao và đề cập đến giải pháp, tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, việc tổ chức các phiên đấu thầu để ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giá. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục triển khai thanh, kiểm tra với các doanh nghiệp, tổ chức có kinh doanh mua bán vàng miếng, yêu cầu chấp hành nghiêm quy định và phối hợp xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin, trong tuần này tổ chức 2 phiên đấu thầu để tăng nguồn cung vàng. Đồng thời cho rằng, về lâu dài Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ ngành đề xuất thêm các biện pháp phù hợp tình hình mới, trong đó có sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Trong phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Thanh Mẫn cho rằng, giá vàng tăng cao sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, tác động đến lạm phát trong nước. Từ đó đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao tình hình thị trường vàng trong nước và thế giới; điều hành linh hoạt, kịp thời giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

 

Liên quan đến các ý kiến giá dịch vụ hàng không tăng, báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, mức tăng bình quân giá vé máy bay của VNA từ 14-20% trên các đường bay.

Thứ trưởng Bộ GTVT phân tích các nguyên nhân chính: thứ nhất là giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá, vì toàn bộ cấu thành chi phí giá hàng không thì 65-70% là từ nhiên liệu; thứ hai là việc thu hồi máy bay để sửa chữa trên toàn thế giới, trong dó Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng với 33 máy bay thân hẹp, bắt buộc các hãng hàng không phải tăng chi phí thuê; thứ ba là nhu cầu giai đoạn dịp lễ rất cao cũng đẩy giá vé tăng...

Đồng thời cho biết, vừa qua, Bộ GTVT ban hành các quy định rà soát toàn bộ chi phí và kê khai giá, tăng chuyến bay đêm, dùng máy bay thân rộng khi thiếu máy bay thân hẹp để đáp ứng nhu cầu đi lại với chi phí hợp lý.

Khẳng định giá vé máy bay tăng có ảnh hưởng đến du lịch, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, giải pháp là tăng cường mở các loại tàu và khai thác các chuyến tàu mới, ví dụ Hà Nội mở tuyến SE19, 20 phục vụ chặng Hà Nội - Đà Nẵng, với TP Hồ Chí Minh vừa qua khai thác tàu SE 21,22 chất lượng cao chạy từ TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, để giải quyết trong tình trạng khan hiếm máy bay thân hẹp. “Bộ GTVT hiện nay đã đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có và đầu tư các tuyến đường sắt mới để về lâu dài tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách bền vững và hợp lý nhất” – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.