Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 13, xem xét 6 nội dung

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 13. Phiên họp sẽ xem xét 6 nội dung liên quan đến việc đánh giá chính thức Kỳ họp thứ 3, công tác công tác xây dựng pháp luật, các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác giám sát…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chương trình phiên họp kéo dài 1,5 ngày làm việc (từ 11 - 12/7/2022), xem xét, cho ý kiến trực tiếp về 6 nội dung trọng tâm liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác giám sát, …

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có đánh giá chính thức về kết quả của Kỳ họp thứ ba trên cơ sở dự thảo Báo cáo tổng kết của Tổng thư ký Quốc hội đã được tổng hợp từ ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc đánh giá tập trung vào phân tích những kết quả đạt được, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trong cả khâu công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp. Trên cơ sở đó, chỉ rõ những vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm, những điểm mới, nội dung được cải tiến tại Kỳ họp thứ 3, để tiếp tục có những cải tiến, nâng cao chất lượng Kỳ họp với tư cách là một phương thức cơ bản trong tổ chức hoạt động của Quốc hội.

Cũng trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2022. Trọng tâm của Kỳ họp thứ tư thường tập trung nhiều vào công tác lập pháp, xem xét thông qua, cho ý kiến lần đầu rất nhiều dự án luật cho ý kiến… “Với khối lượng dự kiến công việc lớn tại Kỳ họp thứ tư, công tác chuẩn bị, công tác phối hợp với Chính phủ trong việc phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật cần phải được chú trọng, nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng Kỳ họp…” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Theo Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý, việc đánh giá, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ ba còn có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện Đề án nâng hiệu quả chất lượng hoạt động Kỳ họp Quốc hội - một trong những nội dung trọng điểm trong Chương trình Hành động của Đảng đoàn Quốc hội để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Kỳ họp Quốc hội; việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4...

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 06/2022 (trong đó công tác dân nguyện tháng 05/2022).…

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả khảo sát tiến độ xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là dự án quan trọng không chỉ đối  với quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có dự án. Do đó, nội dung thảo luận cần cụ thể, có đánh giá cũng như nhận định rõ ràng để có giải pháp kịp thời.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên của dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố, với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ được xác định. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất tổng hợp từ các địa phương và sau khi thẩm định có chênh lệch so với sơ bộ diện tích chiếm dụng được quy định tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án.

Chủ tịch Quốc hội cho biết cũng cho biết, đối với nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ TTMT, Bộ GTVT, các địa phương có liên quan để có tiến hành nghiên cứu thực địa từ tổ chức xây dựng báo cáo thẩm tra đủ điều kiện để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kịp thời xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung có liên quan đến thẩm quyền, nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết;…

Sau phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.