Nhưng cũng vì cuộc chiến này mà việc NATO có thêm thành viên mới ở vùng biên giới giáp Nga càng thêm nhạy cảm về mọi phương diện chính sách đối với Nga và khiến cho Nga không thể không cảm nhận càng thêm bị NATO đe dọa, bao vây về an ninh.
Ở đây có tình trạng nghịch lý về an ninh rất đặc biệt. Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO để có được sự đảm bảo an ninh của NATO và tin rằng chỉ có NATO mới có thể răn đe Nga không tấn công họ. Phần Lan có đường biên giới chung rất dài với Nga.
Sau khi nước này gia nhập NATO mà Nga lại coi NATO là mối đe dọa an ninh, Nga chắc chắn sẽ triển khai quân đội và thậm chí cả vũ khí hạt nhân nữa ở vùng biên giới với Phần Lan. Thụy Điển ở cách biên giới này có bao xa đâu. Không phải là nghịch lý sau khi hai nước này tìm kiếm sự đảm bảo an ninh chắc chắn hơn thì lại trả giá bằng thách thức, hoặc thậm chí cả mối đe dọa an ninh trực tiếp hơn.
Mặt khác, việc Thụy Điển và Phần Lan dồn bước trên con đường gia nhập NATO tác động trực tiếp đến tương lai chính trị và an ninh của Ukraine, tức là tới kết cục cuối cùng của cuộc chiến hiện tại ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Phía Nga chắc chắn sẽ càng kiên quyết không để cho Ukraine, Grudia hay nước cộng hòa nào khác thuộc Liên Xô trước đây gia nhập NATO.
Nga chắc chắn sẽ chỉ dừng hoạt động quân sự ở Ukraine hay chấp nhận giải pháp chính trị hòa bình với Ukraine khi đảm bảo là Ukraine không những chỉ không đe dọa an ninh của Nga mà còn NATO cũng không thể sử dụng Ukraine để thách thức hay đe dọa an ninh của Nga.
Tiêu chí giải pháp của Nga chắc chắn sẽ là Ukraine chỉ còn có được tiềm lực quân sự hạn chế và phải trung lập. Không phải nghịch lý sau khi Ukraine muốn gia nhập NATO để được đảm bảo an ninh thì phải chấp nhận trung lập với NATO để có được an ninh?