Thụy Sĩ khẳng định quan điểm về việc tịch thu tài sản đóng băng của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thụy Sỹ cho rằng việc tịch thu tài sản tư nhân của Nga sẽ làm suy yếu hiến pháp và trật tự pháp lý hiện hành của nước này.

Thuỵ Sĩ quyết không tịch thu tài sản đóng băng Nga bất chấp sức ép từ phương Tây. Ảnh: AP
Thuỵ Sĩ quyết không tịch thu tài sản đóng băng Nga bất chấp sức ép từ phương Tây. Ảnh: AP

Thụy Sĩ cho biết các ngân hàng nước này không có quyền hợp pháp sử dụng tiền của Nga bị đóng băng cho mục đích riêng.

Trả lời hãng thông tấn RIA Novosti cuối tuần trước, ông Fabian Maienfisch, người phát ngôn Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế Thụy Sĩ (SECO), nói rằng bất kỳ hành vi nào cho phép quản lý hoặc sử dụng tài sản phong tỏa đều bị ngăn cấm ngoại trừ các quy trình hành chính thông thường được thực hiện bởi các tổ chức tài chính như hạch toán lãi suất hoặc tính phí ngân hàng trên tài khoản.

“Việc quản lý tài sản bị đóng băng thực tế như thu hút đầu tư mới, bán tài sản hoặc thay đổi doanh thu là không được phép” - ông Maienfisch nhấn mạnh, cho hay tất cả các chi phí liên quan đến tài sản của Nga bị phong tỏa ở Thụy Sĩ nên do chủ sở hữu chi trả.

Trước đó, chính phủ Thụy Sĩ đã bác bỏ việc tịch thu các khoản tiền bị đóng băng trong nước, nói rằng việc tịch thu tài sản tư nhân của Nga sẽ làm suy yếu hiến pháp và trật tự pháp lý hiện hành của Thụy Sĩ.

Các ngân hàng Thụy Sĩ cũng lên tiếng phản đối việc chiếm đoạt tài sản bị phong tỏa của Nga do lệnh trừng phạt của phương Tây. “Cho đến thời điểm hiện tại, không có cơ sở pháp lý nào cho việc tịch thu tài sản đóng băng” - tuyên bố từ Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ nêu rõ trong tháng trước.

Thụy Sĩ đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải ngân các khoản tiền đóng băng để tái thiết Ukraine. Mặc dù đã có khoảng thời gian thảo luận về vấn đề này song các nước phương Tây đều vấp phải những rào cản pháp lý.

Cựu giám đốc ngân hàng Deutsche Bank Josef Ackermann hôm 16/2 cảnh báo rằng một bước đi như vậy của Thụy Sĩ sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ và khiến nước này mất vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu.

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Blick, ông Ackermann nói rằng việc Thụy Sĩ tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga sẽ giống như hành động “mở chiếc hộp Pandora”. Theo cựu lãnh đạo Deutsche Bank, Thụy Sĩ cần xác định lập trường của mình về vấn đề này và không nên vội vàng bắt chước hành động của các nước phương Tây khác.

Theo một báo cáo của SECO, Thụy Sĩ đang nắm giữ tài sản cá nhân đóng băng của nhiều người Nga trị giá hơn 8 tỷ USD.

Moscow đã nhiều lần kêu gọi Thụy Sĩ tháo gỡ phong tỏa các tài sản bị đóng băng và cảnh báo Thụy Sĩ không được có bất kỳ động thái nào tịch thu chúng, bởi có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế. Theo Điện Kremlin, nếu làm vậy, Nga sẽ có quyền tịch thu tài sản nước ngoài được giữ tại nước này để trả đũa.

Trước đó, hôm 15/2, EU đã thông qua việc thành lập Nhóm Công tác đặc biệt với nhiệm vụ lên kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng và bất động sản của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Chính phủ Thụy Điển - nước đang là Chủ tịch Hội đồng EU cho biết, nhóm sẽ do Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc gia Thụy Điển Anders Ahnlid chỉ đạo.

Mục đích của nhóm này là làm thế nào để tài sản bị phong tỏa được sử dụng phù hợp với luật pháp EU và quốc tế. Theo Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển, trong số những tài sản quan trọng của Nga bị phong tỏa có quỹ Ngân hàng Trung ương Nga lên tới hàng chục tỷ USD.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần