Tích cực cứu hộ, khẩn trương điều tra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ rơi máy bay Airbus A320 của Công ty Germanwings tại dãy núi Alps của Pháp khi đang trên đường từ Barcelona tới Dusseldorf khiến khoảng 150 người thiệt mạng đã nối dài các thảm họa hàng không xảy ra trong vòng hơn một năm trở lại đây.

Lãnh đạo các quốc gia châu Âu đã lập tức dừng toàn bộ hoạt động không cần thiết để chỉ đạo công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Chiếc máy bay Airbus của Germanwings – công ty con của hãng hàng không quốc gia Đức Lufthans vừa gặp nạn là một trong những chiếc cũ nhất của A320 – dòng máy bay được sử dụng nhiều nhất trên thế giới dành cho các chặng đường ngắn và trung bình. Được đưa vào sử dụng từ năm 1988, đến nay Airbus đã nhận được 11.537 đơn đặt hàng A320 và hiện còn 6191 chiếc phục vụ vận chuyển trên thế giới. Theo thống kê cứ 2,5 giây lại có một chiếc máy bay A320 cất cánh hoặc hạ cánh nên vụ tai nạn là một đòn mạnh giáng vào nỗ lực lấy lại niềm tin sau khi chiếc Airbus A320 mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia bị rơi hồi tháng 12 năm ngoái khiến 162 người thiệt mạng. Vì thế, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc, tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đã lập tức thành lập một ủy ban xử lý khủng hoảng tại Toulouse và tiến hành thu thập thông tin về thảm họa vừa xảy ra để phục vụ cho cuộc điều tra riêng về vụ tai nạn máy bay A320.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay lo lắng chờ đợi tin tức tại sân bay El Prat ở Barcelona ngày 24/3. 	Ảnh: REUTERS
Thân nhân hành khách trên chuyến bay lo lắng chờ đợi tin tức tại sân bay El Prat ở Barcelona ngày 24/3. Ảnh: REUTERS
Vụ việc đã khơi gợi những ký ức đau thương được người Pháp cố quên đi suốt 15 năm qua sau vụ rơi máy bay Concorde của hãng Air France vào tháng 7/2000 khiến 113 người thiệt mạng. Điều đáng nói là việc các mảnh vỡ của máy bay nằm rải rác trong bán kính khoảng 2 km và điều kiện rừng núi hiểm trở của dãy Alps khiến công tác cứu hộ, cứu nạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng thống Francois Hollande cho biết, hơn 400 hiến binh cùng nhiều cảnh sát, lính cứu hỏa đã triển khai chiến dịch cứu hộ trên diện rộng nhằm tìm kiếm người sống sót.

Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI cùng Hoàng hậu dù đang ở Paris đã quyết định hủy chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên tới một nước châu Âu khi hay tin có 42 người Tây Ban Nha có mặt trên chuyến bay gặp nạn. Nhà vua Tây Ban Nha Felipe và Hoàng hậu Letizia đã từ Paris về nước để chia buồn tới gia đình các nạn nhân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc điện đàm về vụ tai nạn với Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã hủy bỏ toàn bộ lịch trình nhằm tới hiện trường vụ tai nạn vào hôm nay (25/3). Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã lập tức gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để cứu hộ, cứu nạn và điều tra vụ tai nạn.

Vụ rơi máy bay đầu tiên của các công ty giá rẻ tại châu Âu đã gây ra không ít lo ngại về tương lai của hãng Lufthans và ngành kinh doanh dịch vụ hàng không giá rẻ, vốn đã vấp phải nhiều nghi ngại sau các vụ tai nạn của hãng hàng không giá rẻ AirAsia.