Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tích cực đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xu thế phục hồi các ngành kinh tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 16% so với 4 tháng đầu năm 2021.

5 ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT ngày 4/5 cho biết, 4 tháng đã qua của năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó giúp ngành nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD kể từ đầu năm 2022.

Xuất khẩu nhóm nông sản chính vẫn chiếm tỷ trọng lớn với trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7% so với số liệu ghi nhận của 4 tháng đầu năm 2021. Riêng lĩnh vực chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021.     

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 18 tỷ USD. Ảnh minh họa
Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 18 tỷ USD. Ảnh minh họa

Theo Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2022, đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ). Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Cụ thể: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%); cao su đạt khoảng 869 triệu USD (tăng 10,9%); hồ tiêu khoảng 367 triệu USD (tăng 29,6%); sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD (tăng 29,5%), cá tra đạt 894 triệu USD (tăng 89,6%), tôm đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 38,6%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD (tăng 4,5%); mây, tre, cói thảm đạt 339 triệu USD (tăng 22,7%). 

Thúc đẩy mở cửa thị trường

Cùng với tốc độ tăng giá trị xuất khẩu, thị trường tiếp cận của nông sản Việt Nam cũng được duy trì và phát triển. Ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41% thị phần. Trong khi đó, châu Mỹ chiếm thị phần 29,7%; châu Âu 12,8%; châu Phi 1,8% và châu Đại Dương 1,7%. 

 

Tháng 4/2022, Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam nhiều nhất đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 11,4% thị phần; tiếp theo là Mỹ và Brazil đều đạt khoảng 1,1 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt gần 13,9 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch.

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 5/2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung mặt hàng nông sản tại các địa phương. Tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu).

Bộ NN&PTNT cũng thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc. Chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc thuộc chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.

Cùng với đàm phán để xuất khẩu chôm chôm, chanh, bưởi từ Việt Nam sang New Zealand, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham tán chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Đồng thời, xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…