70 năm giải phóng Thủ đô

Tích cực huy động nguồn lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thiếu nguồn vốn đối ứng, chưa bố trí được mặt bằng, quỹ đất... là những khó khăn phổ biến của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thường Tín trong quá trình triển khai xây dựng các nhà văn hóa (NVH) thôn, làng. Để tháo gỡ những khó khăn này, các địa phương cần tích cực làm tốt công tác huy động nguồn lực xã hội hóa.

Nâng cao đời sống

Đến thăm NVH thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín đúng dịp thôn tổ chức Đại hội Chi hội Khuyến học lần II, nhiệm kỳ 2013  - 2017. Hội trường thôn trên tầng 2 có sức chứa gần 200 người, đầy đủ ghế ngồi và được trang trí khá đẹp mắt. Ở tầng dưới là thư viện, phòng đọc, phòng xem ti vi với tương đối đầy đủ trang thiết bị. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, xóm 10, thôn Bình Vọng phấn khởi cho biết, từ khi được đưa vào hoạt động (năm 2008) đến nay, NVH trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng quan trọng của người dân trong thôn như hội họp, văn nghệ, đọc sách báo, chơi thể thao... Nhờ đó mà đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
 
 
Tích cực huy động nguồn lực - Ảnh 1
 
Thư viện do người dân tự góp sách, báo tại nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Ảnh: Đắc Linh

Toàn xã Văn Bình có 3 thôn với hơn 10.000 nhân khẩu. Hiện nay, cả 3/3 thôn của xã đều đã xây dựng, chỉnh trang NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL. Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Văn Bình cho biết, trước đây, người dân chủ yếu sinh hoạt tại các đình, chùa, diện tích chật hẹp. Tuy nhiên, từ khi xây dựng được các NVH thôn, người dân đã có nơi hội họp, vui chơi riêng nên rất phấn khởi. Đặc biệt, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng nhờ đó cũng được phát triển mạnh mẽ.

Theo UBND huyện Thường Tín, từ năm 2006, huyện đã có Nghị quyết số 14 về xây dựng NVH thôn, làng, cụm dân cư. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng theo thiết kế, dự toán nhưng không quá 200 triệu cho mỗi NVH được xây dựng mới. Đến năm 2011, mức hỗ trợ của huyện được điều chỉnh, bổ sung lên tới 30% kinh phí và không quá 500 triệu đồng cho mỗi NVH. Nhờ đó, đến tháng 6/2013, toàn huyện có 118 NVH thôn hoàn thành xây mới và sửa chữa, nâng cấp, đạt 69,82% tổng số thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Chưa hết khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thường Tín vẫn đang gặp khó khăn khi xây dựng NVH thôn. Toàn huyện hiện còn 51 thôn, cụm dân cư chưa triển khai xây dựng NVH, tập trung chủ yếu tại các xã Tự Nhiên (còn 8 cụm dân cư), xã Quất Động (còn 4 thôn), xã Khánh Hà (còn 5 thôn), xã Nguyễn Trãi (còn 3 thôn)... Đặc biệt, xã Thống Nhất là xã duy nhất còn "trắng" NVH của toàn huyện với 5/5 thôn chưa có NVH. Nguyên nhân do các xã chưa bố trí được mặt bằng và nguồn kinh phí đối ứng để xây dựng NVH.

Theo ông Lê Mạnh Cường - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Thường Tín, tình hình suy thoái kinh tế đã khiến cho việc huy động kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất và xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng NVH các thôn. Trong khi đó, một số NVH thôn được xây dựng mới nhưng diện tích còn nhỏ, thiếu các công trình phụ trợ, trang thiết bị và quy chế quản lý. Do đó chưa đáp ứng được việc tổ chức các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân cũng như tiêu chí nông thôn mới.

Trước thực trạng này, bà Chu Thị Minh Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc cắm mốc, công khai quy hoạch, quản lý xây dựng các NVH theo quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của xã. Đối với các xã hiện đã bố trí được mặt bằng phù hợp với quy hoạch, hồ sơ dự án được duyệt nhưng gặp khó khăn về vốn có thể vận động các nhà thầu tự nguyện ứng vốn thi công. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đấu giá quyền sử dụng đất và tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân.

Đến tháng 6/2013, huyện Thường Tín có 9 xã, thị trấn đã hoàn thành 100% việc xây dựng và nâng cấp các NVH thôn là Văn Bình, Dũng Tiến, Nghiêm Xuyên, Chương Dương, Vạn Điểm, Liên Phương, Nhị Khê, Văn Phú, thị trấn Thường Tín.