Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tích hợp nhiều giải pháp trong quy hoạch đô thị ĐBSCL ứng phó với ngập lụt

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, để giải bài toán ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL cần tính đến tích hợp nhiều giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị.

Cảnh báo ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: ĐBSCL đang chịu tác động lớn về thiên tai và được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1 m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng.

Toàn bộ 13 tỉnh, TP trong khu vực đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao với tỷ lệ phần trăm diện tích ngập là: TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang, từ 85-90% ), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau, 60-70%), TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng, 10-20%), TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang, 85-90%) và TP Cần Thơ (5-10%).

TS Vũ Cảnh Toàn, chuyên gia Viện Chuyển đổi môi trường và Xã hội quốc tế (ISET) cho biết: Trong quá trình xây dựng khả năng chống chịu ngập lụt cho TP Ngã Bảy (Hậu Giang) đã thấy rằng vấn đề mưa, lũ, triều cường tại ĐBSCL nói chung và TP Ngã Bảy nói riêng ngày càng gia tăng.

TS Vũ Cảnh Toàn cảnh báo: “Trong nhiều năm trước thì mực nước lớn nhất tại Ngã Bảy là 1,58 m và các cơ quan chuyên môn lấy con số này làm số liệu tham chiếu để thiết kế công trình. Nhưng vào năm 2022, mực nước lớn nhất tại đây là 1,74 m, phá vỡ mực nước lịch sử. Đô thị này cũng chịu tác động gia tăng của mưa, lũ và triều cường cực đoan, trong tương lai sẽ nghiêm trọng bất thường hơn do biến đổi khí hậu (BĐKH), mưa từ 1-3 giờ tăng từ 50-70%”.

Ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp trước tình trạng nước biển dâng và triều cường lên cao. 
Ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp trước tình trạng nước biển dâng và triều cường lên cao. 

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Tại hội thảo “Quy hoạch và Phát triển bền vững vùng ĐBSCL” được tổ chức ở tỉnh Hậu Giang vừa qua, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chia sẻ những giải pháp của TP đang triển khai để thích ứng với BĐKH.

Theo ông Dương Tấn Hiển, hiện TP đang trong giai đoạn nước rút trình đồ án quy hoạch tích hợp TP, đi theo đó luôn luôn tính toán đến những ảnh hưởng BĐKH. TP Cần Thơ đang thực hiện Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị.

Cụ thể, dự án có hạng mục xây dựng đê bao khép kín, van ngăn triều và trong nội ô quận Ninh Kiều có các hồ điều hoà để nước không tràn vào. Bên cạnh đó, hạng mục âu thuyền điều tiết nước, hồ điều hoà khi nước dâng lên vào hồ điều hoà này, không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cùng với gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường trung tâm quận Ninh Kiều, âu thuyền được xem là giải pháp chống ngập cho vùng lõi nội ô Cần Thơ.

Để giải bài toán ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL cần tính đến tích hợp nhiều giải pháp thích ứng BĐKH trong quy hoạch đô thị.
Để giải bài toán ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL cần tính đến tích hợp nhiều giải pháp thích ứng BĐKH trong quy hoạch đô thị.

"Đối với khu đô thị mới, các quận, huyện còn lại, chúng tôi quy hoạch cốt nền nâng cao hơn. Đỉnh lũ năm 2021 tại Cần Thơ lên tới 2,21 m, trước cảnh báo như vậy nên TP quy hoạch nâng cao cốt nền lên 2,5-2,7 m. Trong tương lai tiếp tục thực hiện đồ án quy hoạch để làm sao luôn luôn thích ứng với BĐKH nhằm giảm thiểu rủi ro đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của TP." - ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.

Chia sẻ về giải pháp chống chịu ngập lụt cho TP Ngã Bảy, Hậu Giang, ông Vũ Cảnh Toàn, PhD ISET cho rằng, cần phải lồng ghép các yếu tố của BĐKH vào quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, cần tính đến ý tưởng hạ tầng xanh trong việc giảm ngập đang được các nước trên thế giới áp dụng.

“Hạ tầng xanh không đơn thuần là cây xanh, mà nó là hệ thống không gian xanh, không gian mặt nước kết nối với nhau và kết nối với hệ thống thoát nước để góp phần giảm ngập. Đồng thời, có thể nâng cao năng lực ứng phó được các trận mưa có chu kỳ lặp lại là 20 năm”, ông Vũ Cảnh Toàn nói. 

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đứng trước bối cảnh ngập lụt tại đô thị Ngã Bảy, Hậu Giang đã đề xuất dự án “Phát triển đô thị xanh thích ứng với BĐKH TP Ngã Bảy” từ nguồn vốn ODA của AFD. Dự án có nhiều hợp phần khác nhau, bao gồm xây dựng kè sông; cải thiện kết cấu thoát nước đô thị; tạo hồ điều hòa; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, các tỉnh thành ĐBSCL cần tập trung mô hình phát triển hệ thống đô thị - nông thôn. Cụ thể, kết hợp phi tập trung và tập trung “nén” - chủ động “dành chỗ cho nước”; đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của BĐKH và nước biển dâng; phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa hình tự nhiên...