Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vaccine không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng tránh được các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, đến nay đã có 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh. Nếu như trước đây, khi chưa có vaccine, đã có rất nhiều trẻ tử vong vì những căn bệnh truyền nhiễm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản… Nhưng nay, đã có vaccine bảo vệ hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm. “Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, dẫn đến tàn tật và tử vong, thậm chí gây bùng phát dịch lớn trong cộng đồng” - ông Tuấn nói.Tính đến thời điểm này, tại Hà Nội, tỷ lệ tiêm vaccine sởi - rubella toàn TP mới chỉ đạt trên 50%, phấn đấu kết thúc chiến dịch vào ngày 26/12 đạt mục tiêu trên 95% trẻ từ 1 - 5 tuổi được tiêm chủng bổ sung vaccine phòng 2 bệnh nguy hiểm này. Đề cập đến bệnh sởi, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế Nguyễn Thúy Hường cho biết, đây là loại bệnh cấp tính do virus sởi gây nên, khả năng lây nhiễm cao, gây dịch trên quy mô lớn. Biến chứng của bệnh sởi là viêm phổi nặng, viêm não, viêm tai giữa, mờ hoặc loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em... Nếu như người chưa miễn dịch với sởi mà nhiễm virus này thì 100% sẽ mắc bệnh. Nhưng khi người mắc bệnh rồi hoặc tiêm phòng vaccine sẽ được miễn dịch. Cũng theo bà Hường, hiện Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất được vaccine phối hợp sởi - rubella (MR). Vaccine MR đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Theo báo cáo của các tỉnh, đã có trên 50.000 trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi được tiêm vaccine MR, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào.Ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, các bà mẹ cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đừng bỏ lỡ cơ hội để con mình được tiêm nhắc lại mũi vaccine sởi - rubella.Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt trên 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Tuy nhiên cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ nhằm cắt đứt sự lây truyền của virus sởi, rubella ở trẻ em trước độ tuổi đi học.