Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêm vaccine cho người lao động: Giải pháp cấp bách giúp doanh nghiệp vượt khó Covid-19

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện vaccine không phải là tất cả, nhưng với các DN hiện là yếu tố để tồn tại, duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển. Ngược với đa số loay hoay, đâu đó còn thụ động, trông chờ vào nguồn hỗ trợ, nhiều DN đã trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ, TP Hà Nội... đóng góp nguồn lực để mua vaccine tiêm đại trà trong cộng đồng, qua đó cũng tiệm cận được nguồn cho chính bản thân DN mình.

Tiên phong có thể nhắc đến Tổng Công ty May 10, Tập đoàn Sunhouse, Vietsovpetro (Petrovietnam)... coi tiêm vaccine cho người lao động là yếu tố mấu chốt, cốt lõi, giải pháp cấp bách để duy trì vượt qua khó khăn.
Tổng Công ty May 10 duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa triển khai thực hiện quyết liệt tất các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: Hoàng Anh
Kinh nghiệm không riêng ai
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt đánh giá, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với mức độ nghiêm trọng đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người lao động... Do đó, bổ sung người lao động tại DN vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.
Với May 10, giữ được việc làm cho hàng vạn người lao động đã khó, nhưng làm sao để đảm bảo cho tất cả lao động được mạnh khỏe, an toàn mới thực là bài toán nan giải. Giải quyết vấn đề, May 10 phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký kết, mặt khác, triển khai thực hiện quyết liệt tất cả biện pháp phòng, chống dịch cần thiết, như: Kích hoạt phương án 3 cấp độ phòng chống dịch Covid-19; Xây dựng phương án “3 tại chỗ” đảm bảo số công nhân lao động sản xuất trực tiếp vẫn đi làm bình thường theo hướng dẫn của Chỉ thị 17; Khối lao động gián tiếp, hỗ trợ sản xuất làm theo nguyên tắc giãn cách và online tại nhà.
Người lao động May 10 tiêm vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch. Ảnh: Hoàng Anh
Dịch bùng phát, một số lao động về quê, một số làm việc online, An Phước hỗ trợ 4.750.000 đồng/nhân sự. Những cán bộ, công nhân viên, người lao động ở Hà Nội hiện đã hoàn thành tiêm xong vaccine mũi 1. Còn những người về quê, hoặc tại các chi nhánh thì đăng ký tiêm ở địa phương. Nhìn chung do đứt gãy nguồn cầu, các dự án xây dựng bị ngưng, An Phước cũng rất khó khăn, không có dòng tiền. Mong sớm có vaccine tiêm đại trà để ổn định phát triển trở lại.
Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng & Thương Mại An Phước Nguyễn Bảo Hiền
Ông Thân Đức Việt cho rằng, việc chung tay đóng góp của các DN để hỗ trợ cộng đồng, nhất là có kinh phí mua vaccine là hết sức cấp thiết. May 10 đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để đồng hành trong công tác phòng chống dịch. May 10 cũng là đơn vị tham gia đóng góp rất tích cực vào quỹ vaccine của Chính phủ, TP Hà Nội và ủng hộ các tổ chức xã hội.
Đơn cử, ngày 15/7, May 10 đã trao tặng số tiền 2 tỷ đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; ủng hộ lương thực, thực phẩm, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế… cho khu vực phía Nam, Ngoài ra, tính từ đầu năm 2021 đến nay, May 10 cũng đã thực hiện chuỗi hoạt động ủng hộ công tác phòng chống dịch tại các địa phương gần 1 tỷ đồng; riêng cán bộ, công nhân viên, người lao động đóng góp để ủng hộ vào quỹ xã hội từ thiện gần 500 triệu đồng...
Vai trò trọng yếu và lâu dài
Theo Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, việc giãn cách sẽ hao tổn nhiều về mặt kinh tế và đời sống của người dân. Vậy nên triệt để nhất là tiêm vaccine và phải giải quyết được 3 vấn đề: Làm sao để mua? Tiền ở đâu để mua? phân bổ tiêm ai trước, ai sau như thế nào? Các bài toán này đang dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, để tiêm vaccine toàn dân, cần một nguồn tiền lớn. Chính phủ có một quỹ vaccine huy động đóng góp, và mỗi người dân đều có thể góp sức, tùy khả năng, nhất là sự chung tay của DN. Như thế, con số vài chục nghìn tỷ cũng không phải là khó.
Vừa nỗ lực sản xuất kinh doanh, Sunhouse luôn ý thức đồng hành với tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Hoàng Anh
Việc phân bổ danh sách ai trước ai sau cũng là một bài toán. Chúng ta không thể có đủ nguồn vaccine ngay, nếu có cũng không đủ nguồn lực để tiêm một lúc. Hiện đang ưu tiên đối tượng biên phòng, y tế, sân bay, bến cảng, tiếp theo có thể là các nhà máy trọng điểm, khu công nghiệp rồi đến các đối tượng rủi ro thấp hơn.
“Chính phủ đã rất vất vả chống dịch, DN và người dân cũng nên chung tay. Bản thân Sunhouse luôn ý thức đồng hành với tuyến đầu chống dịch, nhất là cho quỹ vaccine... Hiện Tập đoàn cũng tiêm mũi 1 được cho khoảng 70% nhân sự, tập trung phần lớn tại miền Bắc. Miền Trung và miền Nam đang tiếp tục chờ tiêm diện DN theo quy định. Trên hết, tôi mong vừa có thể quản trị được dịch ở một mức độ nào đó mà không bị ảnh hưởng quá lớn đến các mảng khác của kinh tế - xã hội, để cuộc sống người dân và các DN sớm trở lại trạng thái bình thường” – Shark Phú nhấn mạnh.
 Người lao động Vietsovpetro trên công trình dầu khí. Ảnh: Hoàng Anh
Đại diện Vietsovpetro (đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam) thông tin, dù gặp rất nhiều khó khăn, song với chiến lược hợp lý đã cơ bản đảm bảo sản xuất kinh doanh. Với đặc thù có đông cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc 24/24 giờ trên các giàn khoan, tàu chứa dầu, tàu dịch vụ và các cơ sở sản xuất, Liên doanh đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trong đó mục tiêu tối quan trọng là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và không để xảy ra gián đoạn sản xuất…
Bên cạnh đó, để góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, Vietsovpetro đã đóng góp 55 tỷ đồng cho các quỹ vaccine, cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội khác trên địa bàn. Với những chương trình cụ thể, Vietsovpetro đã đảm bảo sản xuất, kinh doanh, vừa trách nhiệm với cả nước trong cuộc chiến chống Covid-19. Hiện toàn đơn vị đã tiêm mũi 1 vaccine, ngoài ra còn nguồn vaccine sputnik V từ Đại sứ quán Nga tiêm cho chuyên gia người Nga đang hoạt động tại đây.
Kiểm tra thông tin trước khi vào tiêm vaccine tại Vietsovpetro. Ảnh: Hoàng Anh
Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kép, hầu hết các DN đều mong muốn tiếp cận, đặt mua vaccine Covid-19. Bởi chi phí tiêm vaccine ngừa Covid-19 chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm PCR, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm. Theo Tổng Giám đốc Thân Đức Việt, May 10 luôn mong chờ và sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để xã hội hóa nguồn vaccine, coi đây là sự bền vững trong việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tại Hà Nội, hiện May 10 đã tiêm vaccine 83%/2.000 người, chiếm tỷ lệ toàn DN 30%/7.500 người (tổng lao động của 7 tỉnh, thành). Tính cả liên doanh, liên kết thì được khoảng 25%/12.000 người (gồm 18 nhà máy, 7 tỉnh).
Hiện Vietsovpetro đã tiêm mũi 1 vaccine cho người lao động. Ảnh: Hoàng Anh
"Tôi tin chắc rằng, không chỉ May 10, cộng đồng DN trong nước nói chung, ngành Dệt may nói riêng cũng có được nguồn vaccine để tiêm cho người lao động. Bởi dịch bệnh không chờ ai, càng chậm tạo miễn dịch cộng đồng, càng thiệt hại nặng nề hơn. Bản thân May 10 đã đưa ra các kịch bản chống dịch khác nhau, nhưng mọi sự chuẩn bị chỉ mang tính ứng phó tạm thời. Còn việc tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng sẽ đóng vai trò trọng yếu và lâu dài” – ông Việt khẳng định.
May 10 cũng là một trong những DN tiên phong thực hiện, ủng hộ trong việc phòng, chống Covid-19. Thời điểm này May 10 đang nỗ lực, với nhiều biện pháp đồng để duy trì hoạt động, đến giờ không có ca nhiễm nào là điều đáng mừng, nhưng không có nghĩa là an toàn tuyệt đối vì biến thể Delta lây lan rất nhanh, rất khó lường. Mỗi DN tùy theo lĩnh vực, vừa ủng hộ, vừa có phương án tiệm cận nguồn vaccine tiêm cho người lao động - đó là một trong những bài toán giữ được nguồn lực trong lúc này.
Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt