Tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Còn mãi trong ký ức, kỷ niệm của bạn bè, đồng nghiệp

Minh An, ảnh Bạch Hoàng Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 24/3, đông đảo văn sĩ, trí thức và bạn đọc đã tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi vòng hoa đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Trong lễ tang, nhiều bạn văn, bạn thơ, nghệ sĩ và người hâm mộ văn chương Nguyễn Huy Thiệp đã không cầm được nước mắt khi nhắc nhớ những kỷ niệm với ông. Trong mắt nhiều đồng nghiệp, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là một nhà văn tài năng, khó ai có thể thay thế mà còn là một người sống rất chân chất, giản dị và hiền hòa.
 Bạn bè, đồng nghiệp đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Xúc động đến tiễn đưa tác giả “Tướng về hưu”, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương dành những lời trân trọng cho bậc đàn anh trong nghề. “Nguyễn Huy Thiệp là của hiếm của văn học Việt Nam, một trường hợp văn chương đầy ngoạn mục” – nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ. Nhìn dòng người đủ giới đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sáng nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói: “Đó là tấm lòng dành cho văn học tử tế, nhìn vào đó người ta thấy được giá trị của văn học tử tế lớn thế nào trong lòng Nhân dân”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động rơi nước mắt khi viết sổ tang: Thiệp ơi, bạn ơi, nhà văn tài năng của tôi ơi. Thôi đi nhé - Mưa tháng ba - Hà Nội tiễn bạn, bao người thương yêu tiễn bạn đây. Hẹn sau nơi xa ấy... “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” của một “Thương nhớ đồng quê” Việt Nam.

Cùng với bạn bè, đồng nghiệp, lễ tang của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn có đại sứ Pháp tại Việt Nam, đại diện Viện Pháp tại Hà Nội đến viếng. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery ghi sổ tang: Gửi đến tác giả “Tướng về hưu” lời tạm biệt. Sự mất mát của ông là vô cùng to lớn cho văn đàn Việt Nam cũng như những thiện cảm, đóng góp mà ông dành cho các tác phẩm của Pháp.
 Nhà thơ Trần Đăng Khoa tới tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Trong điếu văn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều một lần nữa khẳng định giá trị văn chương Nguyễn Huy Thiệp: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi “Những ngọn gió Hua Tát” và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá bút pháp của cố nhà văn "trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật”; “văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người”; “văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người”.
 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn.

Tại lễ tang, họa sĩ Nguyễn Phan Bách - trưởng nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nghẹn ngào nói những lời sau cuối trước vong linh bố và người thân, bạn bè cùng độc giả mến mộ nhà văn: “Bố chúng tôi là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thuận theo lẽ vô thường của tạo hoá là sinh - lão - bệnh - tử . Ông đã dừng chân, rời bỏ cõi tạm ở tuổi 72. Ông không mất đi mà dòng máu của ông sẽ còn chảy mãi trong huyết quản của anh em chúng tôi những người con cháu của ông. Ông sẽ còn đó trong những ký ức, những kỷ niệm của bạn bè và đồng nghiệp”.

Trưởng nam của nhà văn cảm tạ những ân tình nồng hậu và tình yêu vô bờ của đông đảo bạn bè và bạn đọc khắp trong và ngoài nước đã dành cho bố mình, đặc biệt là trong vài ngày qua kể từ khi nhà văn ra đi, cũng như trong 1 năm nhà văn đổ bệnh. Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một sự mất mát không gì bù đắp với gia đình, nhưng họa sĩ Nguyễn Phan Bách nói ông và gia đình “thực sự ấm lòng khi được đón nhận sự thăm hỏi, chia sẻ động viên” từ mọi người và sẽ “khắc cốt ghi tâm”.
 Lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Giây phút mặc niệm ông, giai điệu ca khúc “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn vang lên qua tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Sau lễ viếng, thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống Nhà hoá thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. Tro cốt và di hài ông sẽ được đưa vễ nghĩa trang gia đình thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội dự kiến từ 15h30 đến 17h cùng ngày.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20/4/1950 ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1968, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Hơn 50 năm cầm bút, ông có 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý.

Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn “Tướng về hưu” (chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988), “Những ngọn gió Hua Tát” (tập truyện ngắn và kịch, 1989), “Tuổi 20 yêu dấu” (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002).

Mới đây, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021 với 2 tác phẩm “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h44 ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi, sau một năm chống chọi với những lần tai biến liên tiếp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần