Tiến bước nhỏ vẫn hơn không

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cử tri Thái Lan lại một lần nữa được yêu cầu đi bỏ phiếu, lần này không phải bầu ra nghị viện mà tham gia trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới. Trưng cầu dân ý là một trong những biểu tượng đặc trưng nhất của dân chủ.

Ở Thái Lan, giới quân sự sau khi tiến hành đảo chính đã trực tiếp nhiếp chính trong một thời gian và sau đó thành lập Chính phủ để xóa bỏ danh nghĩa là chính quyền quân sự. Chính phủ này đã soạn thảo bản Hiến pháp và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Một khi bản Hiến pháp này được thông qua thì trong năm 2017 sẽ có tổng tuyển cử mới ở Thái Lan. Nghe chỉ như vậy và nhìn thoáng qua thì sẽ có cảm giác tiến trình dân chủ hóa ở Thái Lan kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tiến triển thuận lợi và có lộ trình cụ thể, rõ ràng.

Cuộc trưng cầu dân ý này ở Thái Lan đúng là bước tiến, nhưng mới chỉ rất nhỏ và chưa thể được coi là cơ bản. Lý do ở chỗ, nó không làm thay đổi cơ bản tương quan và cục diện quyền lực ở Thái Lan khi mục đích chính là duy trì vị thế quyền lực cao nhất cho giới quân sự nước này. Hiện tại, giới quân sự vẫn nắm quyền trên thực tế. Với cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp với những nội dung thuận lợi cho quyền lực của giới quân sự, Chính phủ hiện tại của giới quân sự buộc cử tri Thái Lan phải lựa chọn giữa thực trạng hiện tại và tương lai không khác gì nhiều. Nếu bản Hiến pháp mới không được cử tri thông qua thì sẽ không có tổng tuyển cử và Chính phủ hiện tại của giới quân sự tiếp tục cầm quyền. Nếu chấp nhận bản Hiến pháp mới, cử tri Thái Lan phải chấp nhận những sự đảm bảo ghi trong đó về vai trò quyền lực tối thượng của giới quân sự. Chẳng hạn như Thượng viện vẫn do giới quân sự kiểm soát và Thủ tướng mới phải do cả Thượng viện lẫn Hạ viện cùng quyết định. Hay như vẫn còn tồn tại một hội đồng mà thành viên do giới quân sự chỉ định với quyền hạn có thể hạ bệ Chính phủ đương nhiệm và thành lập Chính phủ mới. Cử tri Thái Lan khi tham gia cuộc trưng cầu dân ý này sẽ chẳng dễ dàng gì với quyết định của mình. Bởi thế, không phải kết quả cụ thể của cuộc trưng cầu dân ý, mà tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý mới là điều đáng được để ý đến, nhìn nhận và phân tích.

Với cuộc trưng cầu dân ý này, Chính phủ Thái Lan muốn rũ bỏ đi nhiều hơn hình ảnh của chính quyền quân sự và thể hiện cả quyết tâm cũng như sự sẵn sàng chuyển đổi thành Chính phủ dân sự. Nhưng với những nội dung như thể hiện trong dự thảo Hiến pháp đưa ra cho cử tri Thái Lan quyết định thì nó lại là một màn kịch vụng về. Nó thể hiện giới quân sự ở Thái Lan chưa thật sự tự tin rằng đã kiểm soát được hoàn toàn tình hình ở nước này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần