Thiệt hại tỷ USD
Nửa đầu năm 2022 được coi là quãng thời gian “đen tối” nhất từ trước tới nay của cộng đồng tiền ảo trên thế giới. Hàng tỷ USD đã bị cuốn trôi không trở lại sau các vụ tấn công vào nhiều hệ thống tiền điện tử. Đi kèm với đó là giá trị của hàng loạt loại tiền ảo đã giảm từ vài chục cho đến hàng nghìn phần trăm chỉ sau vài giờ.
Có một điểm chung của hầu hết những vụ tấn công nói trên đều nhằm vào các hệ thống tiền điện tử sử dụng nền tảng chủ đạo là công nghệ blockchain. Công nghệ này được ưu tiên sử dụng phổ biến do có hàng loạt các lợi thế như: giảm chi phí, tốc độ giao dịch cao, đa dụng …. Nhưng đồng thời, blockchain cũng tồn tại quá nhiều điểm yếu, đặc biệt là về bảo mật, do đó, đây luôn là “miếng mồi ngon” đối với tin tặc.
Theo số liệu từ Chainalysis, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thiệt hại của các sàn tiền ảo do bị tin tặc tấn công đã lên tới 1,4 tỷ USD. Trong đó, nổi bật nhất là vụ Axie Infinity bị đánh cắp hơn 600 triệu USD sau khi hacker xâm nhập vào mạng lưới blockchain kết nối tới hệ thống tiền ảo của tựa game này. Thiệt hại quá lớn có thể sẽ khiến Axie Infinity không bao giờ vực dậy được.
Hay như Wormhole đã bị tin tặc lấy đi hơn 320 triệu USD sau một vụ tấn công vào đầu năm 2022. Đây được xem là một trong những vụ tấn công lớn nhất trong lịch sử của các hệ thống thương mại phi tập trung. Đáng chú ý, trước khi cuộc tấn công diễn ra, Wormhole vẫn được đánh giá là một trong những cầu nối cho phép người dùng chuyển tiền số giữa các chuỗi blockchain có mức độ bảo mật tốt nhất thế giới.
Không chỉ gặp phải những vấn đề về bảo mật, các yếu tố bên ngoài khác như: lạm phát tăng cao, lãi suất của ngân hàng tăng, pháp lý bị siết chặt… đang đẩy thị trường tiền ảo vào một “mùa đông” được dự đoán là gây nhiều thiệt hại hơn so với giai đoạn tương tự vào quãng thời gian 2018.
Được biết, vào giai đoạn 2018, sau khi nhiều đồng tiền ảo đạt giá trị kỷ lục thì chúng lập tức quay đầu giảm mạnh. Khi đó, có thời điểm Bitcoin đã hạ tới mức thấp nhất từng có là 3.122 USD/đồng. Chính sự xuống dốc đột ngột này đã khiến 70% sàn tiền ảo phải đóng cửa, đi kèm với đó là hàng trăm tỷ USD của nhà đầu tư “bốc hơi”.
Tới thời điểm này của năm 2022, đã xuất hiện hàng loạt dấu hiệu tương tự. Giá Bitcoin đã giảm gần 70% giá trị khi đạt đỉnh ở mức kỷ lục 69.000 USD/đồng vào năm ngoái. Chỉ tính riêng từ tháng 4 cho đến nay, tổng giá trị của thị trường tiền ảo đã bốc hơi tới 1.000 tỷ USD.
Đi kèm với đó là sự sụp đổ của hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực tiền ảo. Có thể kể đến như quỹ phòng hộ tiền ảo Three Arrows Capital đang làm thủ tục xin phá sản mặc dù tổng số tài sản mà đơn vị này đang nắm có trị giá lên đến 10 tỷ USD. Hay như sự sụp đổ của TerraUSD (UST), một trong những dự án tiền ảo uy tín nhất thế giới khi được đảm bảo giá trị bởi đồng USD…
Nói về giai đoạn khủng hoảng với thị trường tiền ảo hiện nay, chuyên gia Nguyễn Đình Hoàng cho biết, sự bất ổn này chưa thể xác định được giai đoạn kết thúc. Trong nửa cuối năm 2022, khả năng tiền số sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Xu hướng chung của các “cá mập” tiền ảo trên thị trường như: quỹ đầu tư, sàn giao dịch … hiện nay là hoạt động theo mô hình rất mạo hiểm và nhiều rủi ro. Họ thường đưa ra các mức lãi suất cực cao để huy động nhà đầu tư gửi tiền thông qua tiền ảo. Sau đó, số tiền này lại được đem cho vay với mức lãi suất cao hơn để kiếm lời từ khoản chênh lệch.
Tuy nhiên, đến khi thị trường chung đi xuống, nhà đầu tư rút tiền hàng loạt, điều này sẽ dẫn tới khủng hoảng thanh khoản đối với các sàn và quỹ đầu tư tiền ảo. Thậm chí, khả năng phá sản sẽ dễ dàng xảy ra với tỷ lệ cao hơn rất nhiều lần so với một tổ chức tài chính thông thường. Celsius hay Three Arrows Capital chính là những ví dụ như vậy khi số phận của họ hoàn toàn phụ thuộc vào sự lên xuống của đồng TerraUSD, ông Hoàng chia sẻ.
Liên tục được rót vốn
Mặc dù thị trường tiền ảo đang ở giai đoạn tăm tối nhất trong mấy năm trở lại đây nhưng thật đáng ngạc nhiên khi dòng tiền đầu tư vào thị trường này vẫn tăng trưởng rất tốt. Bất chấp sự ảm đạm nói chung, vẫn đang có hàng chục tỷ USD được đổ vào thông qua nguồn đầu tư mạo hiểm.
Theo báo cáo của Dove Metrics, trong 6 tháng đầu năm 2022, các công ty tiền ảo đã tổ chức khoảng 1.200 vòng gọi vốn với số tiền huy động được lên tới 30 tỷ USD. Con số này cao hơn toàn bộ khoản tương tự vào tầm 27 tỷ USD mà các công ty tiền ảo gọi vốn được trong cả năm 2021. So với cùng kỳ 2021, số lượng thương vụ gọi vốn cho tiền ảo đã tăng gấp đôi (hơn 600 thương vụ) cùng với giá trị vốn tăng gấp 3 (khoảng 11 tỷ đồng).
Trong đó, nổi bật lên là xu hướng đầu tư vào lĩnh vực: Tài chính tập trung với 10,3 tỷ USD; GameFi, NFT và Metaverse với 5,4 tỷ USD; Cơ sở hạ tầng blockchain nói chung là 9,7 tỷ USD; Tài chính phi tập trung đã được rót 2,4 tỷ USD.
Xét về quy mô trung bình của mỗi vòng gọi vốn trong lĩnh vực tiền ảo đang có giá trị vào khoảng 500 triệu USD, con số cao vượt trội so với nửa cuối 2021. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang được các quỹ đầu tư không ngừng đổ vào thị trường này.
Tuy nhiên, theo nhận định, trong nửa cuối năm 2022, dòng vốn đổ vào thị trường tiền ảo sẽ giảm cả về số lượng lẫn giá trị từng thương vụ. Giám đốc Điều hành Quỹ Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam Duy Trần lý giải, nguyên nhân nằm ở thị trường chung đang giảm, do đó, các quỹ đầu tư sẽ phải xem xét kỹ hơn khi đầu tư vào từng dự án cụ thể.
Mặc dù vậy, động thái này sẽ tạo ra mức độ lành mạnh hơn cho dòng vốn, tạo điều kiện cho các dự án làm nghiêm túc và cần thời gian phát triển sản phẩm. Điều này cũng có lợi cho các dự án đang là thế mạnh của Việt Nam như: NFT, Gaming … vốn cần nhiều thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm hướng tới một sản phẩm có chất lượng dành cho người dùng, ông Duy Trần nhận định.