Giảm chi phí, nâng chất lượng phục vụ
Tháng 11/2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào thí điểm dịch vụ bán vé tàu điện tử. Với hình thức này, hành khách không cần phải đến ga xếp hàng mua vé như trước nữa mà có thể lựa chọn chuyến đi, vị trí ghế, giường… trên website của công ty, đặt chỗ rồi thanh toán bằng cách chuyển khoản hoặc trả tiền mặt tại các bưu điện, các điểm thu hộ phổ biến trên toàn quốc hoặc thanh toán tại ga khi lên tàu. Sau khi hành khách hoàn tất việc đặt vé và thanh toán trên website, thông tin vé được gửi đến hòm thư điện tử của người mua vé.
Với những thông tin này, hành khách có thể tự in vé tàu trực tiếp bằng máy in thường hoặc cung cấp mã vé để nhân viên bán vé in vé tại nhà ga. Hành khách có thể đăng ký dịch vụ nhận thông tin vé điện tử qua tin nhắn điện thoại, mã vé sẽ được nhắn trực tiếp đến số điện thoại của người mua; khi lên tàu, khách chỉ cần xuất trình “thẻ lên tàu” có thông tin cá nhân khớp với giấy tờ tùy thân. Anh Ngọc (Nghệ An) nói: “Việc đặt vé qua internet rất thuận tiện, giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức đi lại, đặc biệt là trong những dịp Tết lễ, bận bịu”.
Bà Nguyễn Bích Lan - Đội phó Đội bán vé trạm Hà Nội, Chi nhánh Vận tải đường sắt, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội, chia sẻ: “Từ tháng 9/2015, dịch vụ bán vé tàu điện tử được triển khai trên toàn bộ hệ thống vận tải hành khách của đường sắt Việt Nam. Hình thức này đã giúp ngành đường sắt cắt giảm rất nhiều chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự hài lòng cho hành khách”.
Hạn chế nạn “cò vé”
Hình thức bán vé tàu điện tử đã góp phần quan trọng ngăn chặn nạn cò vé tồn tại lâu nay gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc mua - bán trực tiếp đến từng hành khách có nhu cầu thực sự không chỉ bảo đảm vé bán ra không bị các “cò” tranh mua mà còn hạn chế tiêu cực ngay trong đội ngũ bán vé của ngành đường sắt. Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội Bùi Hoàng Vũ nói: “Trước đây, chúng tôi rất vất vả trong khâu kiểm soát vé đầu ra, nay thì đơn giản hơn nhiều. Khi được đặt, vé đã có thông tin cá nhân của người mua, không khớp sẽ không được cấp thẻ lên tàu, khách hàng không dại gì mà mua vé trôi nổi của các cò nữa”. Tuy nhiên, ông Bùi Hoàng Vũ cho biết thêm, vào các dịp lễ, Tết, nếu khách hàng lỡ mua phải vé của “cò” trong vòng 2 tuần có thể đem vé đến đổi trả lại, công ty vẫn giải quyết miễn phí và chỉ nhắc nhở để hành khách rút kinh nghiệm. Cách làm hài hòa này cho thấy ngành đường sắt đã luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, linh hoạt và biết cảm thông với người dân.
Đường sắt vốn luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong vận tải hành khách liên tỉnh; với Hà Nội, vai trò đó lại càng thiết yếu. Hơn một năm qua, với những nỗ lực không ngừng, tiên phong áp dụng công nghệ thông tin vào khâu cung cấp dịch vụ, ngành đường sắt Thủ đô đã tạo dựng lòng tin, chiếm được cảm tình sâu sắc của hành khách, Nhân dân. Phó Giám đốc Bùi Hoàng Vũ tâm sự: “Chặng đường phát triển còn dài và lắm chông gai, những thành công hôm nay mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, đổi mới hơn nữa vì sự hài lòng của hành khách”.
Hỗ trợ thông tin cho khách nước ngoài đặt vé tàu điện tử tại ga Hà Nội.
|
Dịp tết Bính Thân 2016, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng thêm 15 đôi tàu (2 chiều) tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, hàng trăm lượt chuyến đi các địa phương khác, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của hành khách. |
Ngày 26/1, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã chính thức khai trương mác tàu SE5/6 đẳng cấp cao tuyến Hà Nội - Sài Gòn. Đúng 9 giờ sáng, chuyến tàu SE5 xuất phát tại ga Hà Nội và đến ga Sài Gòn lúc 20 giờ 3 phút ngày hôm sau. Từ ga Sài Gòn, tàu SE6 xuất phát lúc 9 giờ và đến ga Hà Nội lúc 20 giờ 3 phút ngày hôm sau. Giá vé tàu không thay đổi so với tàu hỏa thường. Khu vực khoang đối với 4 người giường nằm mềm, giá vé từ Hà Nội đi Sài Gòn là 1.320.000 đồng/người. Giá vé ghế ngồi rẻ nhất từ Hà Nội đi Sài Gòn là 548.000 đồng/người. (Minh Anh) |